TP. Hồ Chí Minh chủ động ứng phó dịch bệnh sởi
Kế hoạch nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh sởi, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan diện rộng trong cộng đồng, hạn chế lây lan trong bệnh viện và không có ca tử vong.
UBND Thành phố yêu cầu Sở Y tế phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện ứng phó với bệnh dịch; triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng và kiểm soát lây nhiễm sởi trên địa bàn, bao gồm cả hoạt động tiêm chủng; chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng và tử vong; báo cáo kịp thời, đầy đủ thông tin các trường hợp mắc sởi và các ổ dịch sởi theo quy định.
Khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch ở các cấp (thành phố, quận, huyện, phường, xã). Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp thành phố, cấp quận, huyện, cấp xã gồm đại diện của cơ quan y tế, tài chính, thông tin - truyền thông, quân đội, công an và các cơ quan liên quan khác. Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch là Chủ tịch UBND cùng cấp. Cơ quan y tế cùng cấp là thường trực của Ban Chỉ đạo.
Các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai các nhiệm vụ theo chức năng và phân công, tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát liên ngành trong công tác phòng, chống dịch. Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức để dịch bệnh bùng phát, lan rộng. Đưa trách nhiệm người đứng đầu vào công tác phòng, chống dịch do ngành, địa phương quản lý.
Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi để phòng, chống dịch: Tổ chức rà soát, lập danh sách, rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên địa bàn Thành phố. Khẩn trương tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi không kể tiền sử tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đa dạng hóa hình thức triển khai như tiêm tại cơ sở giáo dục, tại cơ sở nuôi dưỡng, trạm y tế, bệnh viện,… Đảm bảo đầy đủ vắc xin, thiết bị y tế để phục vụ chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi. Vắc xin sử dụng trong Chiến dịch là vắc xin phối hợp sởi - rubella (MR).
Phòng, chống bệnh sởi: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, lấy mẫu huyết thanh gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và thực hiện báo cáo lên Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế (phần mềm) trong vòng 24 giờ theo quy định.
Củng cố hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong trường học, chú trọng công tác phát hiện sớm ca bệnh tại các nhóm trẻ và các trường mầm non. Trạm y tế phường, xã, thị trấn giám sát việc thực hiện của các trường học, nhóm trẻ hàng tuần khi chưa có ca bệnh trên địa bàn phường, xã và giám sát hàng ngày khi phường, xã có ca bệnh. Khi phát hiện trẻ sốt và phát ban cần hướng dẫn gia đình đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế, đồng thời tiến hành điều tra dịch tễ.
Thu dung điều trị và phòng, chống lây lan tại các cơ sở y tế: Đảm bảo công tác khám, chẩn đoán và điều trị người bệnh Sởi tuân thủ theo “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi” của Bộ Y tế.
Tổ chức phân luồng và có khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi, nghi ngờ sởi với các bệnh khác. Các cơ sở điều trị tổ chức, hướng dẫn và yêu cầu người bệnh sởi hoặc nghi ngờ sởi hoặc có triệu chứng hô hấp thì phải mang khẩu trang khi đi khám bệnh.
Bố trí khu vực tiếp nhận bệnh sởi và nghi ngờ mắc sởi riêng biệt trước khi có chẩn đoán xác định bệnh sởi. Bảo đảm đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất cần thiết đáp ứng kịp thời cho công tác chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa sởi trong bệnh viện.
Truyền thông giáo dục sức khỏe: Đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình bệnh sởi trong cộng đồng, nêu rõ phạm vi, đối tượng bị ảnh hưởng, các biện pháp đã và đang triển khai của Thành phố, những việc người dân cần làm và các hoạt động phòng, chống dịch, hoạt động tiêm chủng trên toàn Thành phố; sản xuất các tài liệu truyền thông đa dạng, phát hành trên các loại kênh, phương tiện truyền thông.
Liên kết vùng trong phòng, chống dịch sởi: Tăng cường kết nối và liên thông dữ liệu trong công tác phòng, chống dịch, thiết lập kênh chia sẻ thông tin về tình hình bệnh sởi giữa TP. HCM với các tỉnh, thành phố. Phối hợp điều tra dịch tễ các trường hợp mắc hay nghi mắc bệnh sởi để xác định nguồn lây, tổ chức khoanh vùng và xử lý khi có ổ dịch.
Để thực hiện kế hoạch, UBND Thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Y tế thực hiện truyền thông, tuyên truyền phòng chống bệnh sởi trong cộng đồng.
Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học, cơ sở nuôi dưỡng tổ chức các hoạt động phòng, chống bệnh Sởi trong các trường học.
UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn.
Theo thông tin từ Viện Pasteur Thành phố, tình hình bệnh sởi tại 20 tỉnh, thành phố tại khu vực phía Nam tính từ đầu năm 2024 đến nay có chiều hướng tăng bất thường, bệnh sởi đã được phát hiện tại các tỉnh thành như: Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh...
Tại TP. HCM, từ ngày 23/5 đến 18/8, toàn thành phố phát hiện 170 trường hợp bệnh sởi tại 15 quận, huyện và TP. Thủ Đức, trong đó có 57 phường, xã có ca bệnh sởi và 10 quận, huyện có 2 phường, xã trở lên có ca bệnh (gồm Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, quận 12, quận 6, quận 8, Tân Phú, Tân Bình, Hóc Môn và TP Thủ Đức).
Sở Y tế Thành phố cho biết mức độ lây lan của bệnh sởi dữ dội hơn COVID-19. Tuy nhiên sởi đã có vaccine, có một thời gian dài gần như không có ca sởi ở Thành phố. Giai đoạn vừa rồi Thành phố bị đứt gãy nguồn cung ứng vaccine do đại dịch và sau đại dịch, dẫn đến khoảng trống miễn dịch nên sởi ở TP. HCM tăng. Sởi không có thuốc điều trị đặc hiệu, đa phần tự khỏi bệnh. Tuy nhiên có ca diễn tiến nặng trên trẻ suy giảm miễn dịch, bệnh mạn tính, ác tính.
Sở Y tế cho biết cần tập trung kiểm soát dịch sởi trong cộng đồng bằng cách nâng cao độ bao phủ vaccine. Tạo miễn dịch cộng đồng bằng cách tiêm vaccine bù ngay cho trẻ trong độ tuổi và tiêm bổ sung cho trẻ quá độ tuổi; tiêm cho trẻ bị bệnh mãn tính không có chống chỉ định. Với bệnh ác tính không tiêm được, khi nhiễm sẽ điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.
Đồng thời để phòng bệnh, người dân cần tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch; đeo khẩu trang khi tới chỗ đông người; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước và sau khi chăm trẻ; giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ; bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A.
Minh Dung
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Gia Lai phát động tháng hành động vì bình đẳng giới
Vừa qua, tại TP. Pleiku, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Gia Lai phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2024.November 21 at 8:52 am -
400 triệu đồng gây quỹ hỗ trợ sinh viên tại giải golf Trường Đại học Luật TP.HCM
Ngày 19/11, giải golf mở rộng lần I năm 2024 của Trường Đại học Luật TP.HCM diễn ra nhằm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sự kiện quy tụ 144 golfer, bao gồm các cựu giảng viên, cựu sinh viên và doanh nhân từ nhiều lĩnh vực khác nhau.November 20 at 1:03 pm -
Ninh Thuận: Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
Sáng 18/11, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì lễ phát động.November 19 at 4:05 pm -
Bình Thuận: Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Sáng 18/11, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.November 19 at 8:38 am