TP. HCM: Tuyệt đối không chủ quan trong phòng, chống thiên tai

Ngày 4/5, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024.
18:03 | 05/05/2024

Hội nghị nhằm nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó thiên tai; công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. HCM, năm 2023, trên địa bàn thành phố xảy ra xảy ra 5 đợt mưa giông lốc xoáy, 6 đợt triều cường trên báo động cấp 3, 3 đợt sạt lở bờ sông. Thiên tai đã làm 1 người chết do cây xanh ngã đè do mưa giông, sập hoàn toàn 1 căn nhà, tốc mái hư hỏng 8 căn nhà, hư hỏng 1 xe ô tô 7 chỗ, 1 xe máy, ngã đổ 9 cây xanh, bể 8m bờ bao, sạt lở 824m vuông đất...

Tuy nhiên do có sự chủ động, chỉ đạo sát sao, kịp thời và quyết liệt của Thành ủy và UBND thành phố, sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa Ban, TP. Thủ Đức và các quận, huyện, sự tham gia phối hợp có hiệu quả của các sở, ngành liên quan trong việc triển khai các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã góp phần làm giảm thiểu tối đa thiệt hại do sự cố, thiên tai gây ra.

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị

Hệ thống văn bản pháp luật ngày càng được hoàn thiện giúp cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngày càng phù hợp với thực tiễn và đạt hiệu quả cao hơn. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã hoàn thiện các văn bản pháp luật cũng như phương án ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chỉ tiết của thành phố. Thành phố thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp, các ngành để kịp thời chỉ đạo, điều hành thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Bên cạnh đó, tập trung ưu tiên đầu tư cấp bách các công trình phòng chống thiên tai xung yếu trên địa bàn thành phố; đồng thời chỉ đạo các sở ngành, địa phương đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các công trình phòng chống thiên tai, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Khi có thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy, các sở, ngành thành phố, TP. Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn đã kịp thời huy động lực lượng, vật tư, kinh phí nhanh chóng khắc phục với tinh thần tránh nhiệm cao, giúp Nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, đời sống trong thời gian sớm nhất.

TP. HCM cũng chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo kịp thời bằng các hình thức thích hợp để nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác của cộng đồng trong phòng, tránh, ứng phó thiên tai; đồng thời, đã thực hiện triển khai chuyển đổi số trong công tác phòng chống thiên tai,…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan nhấn mạnh tuyệt đối không được chủ quan lơ là trong phòng chống thiên tai, phải tiếp tục thực hiện tuyên truyền mọi đối tượng, vận động lồng ghép theo các mô hình hay. Xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao nhận thức công đồng và quản lý rủi ro, trong đó tập trung phổ biến thông tin tuyên truyền, tập huấn kiến thức về cơ chế chính sách phòng chống thiên tai cho các đơn vị và người dân trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan chia sẻ, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng không phải là công việc của một cá nhân mà là của cả hệ thống, cả tổ chức. Vì vậy công tác phối hợp được đặt ra, phối hợp phải đồng bộ, có tính hiệu quả. Phối hợp phải làm tốt vì là điểm rất quan trọng.

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy Ban Chỉ huy ở các địa phương và có quy chế, kế hoạch hoạt động. Đồng thời tổ chức cơ sở, kiện toàn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, lực lượng tình nguyện viên ở từng khu vực từng địa phương đều có tham gia. Phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát ở cơ sở; quan tâm đào tạo kỹ năng cơ bản cho các lực lượng chức năng ở cấp cơ sở; phối hợp tốt cả trong diễn tập, trong phòng, chống thiên tai và cứu nạn. Công tác diễn tập phải bảo đảm sát với thực tiễn, tránh hình thức.

Các cơ quan, đơn vị phải quản lý, phân bổ, sử dụng trang thiết bị một cách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chủ động đề xuất việc mua sắm những trang thiết bị cần thiết; chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến quản lý, phân bổ, sử dụng trang thiết bị.

Liên quan đến những công trình sạt lở, chống ngập các địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị khẩn trương, tích cực triển khai giải ngân các nguồn lực để hoàn thiện lại hệ thống. Các địa phương đã được giao chỉ tiêu, nhiệm vụ, phê duyệt phải hoàn thành sớm; chủ động đề xuất để Ban Chỉ huy quyết định bổ sung thêm một số dự án công trình để triển khai thực hiện trong 2024 và các năm tiếp theo.

Riêng huyện Cần Giờ đang hướng đến phát triển xanh, tăng cường trồng rừng và mở rộng rừng, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố phối hợp với huyện Cần Giờ nghiên cứu lập đề án phủ kín rừng Cần Giờ. Đề án sẽ tiến tới đưa người dân ra bên ngoài sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp để cuộc sống tốt hơn, không len lỏi trong rừng. Việc mở rộng rừng Cần Giờ để tạo ra giá trị đáng sống của thành phố là một yêu cầu cấp bách và thành phố đang nỗ lực triển khai. Cùng với đề án là mở rộng rừng phòng hộ, xanh hóa, phủ kín vùng đệm của rừng phòng hộ Cần Giờ để tạo ra giá trị rừng lớn hơn.

Minh Dung

comment Bình luận