TP. HCM: Tổ chức Hội nghị khoa học Tai Mũi Họng Nhi thường niên 2023

Ngày 22/12, Liên chi hội Tai Mũi Họng Nhi TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Bệnh viện Nhi đồng 1 tổ chức Hội nghị khoa học Tai Mũi Họng Nhi thường niên năm 2023.
16:15 | 22/12/2023

Hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thông tin hữu ích, cập nhật kiến thức chuyên ngành Tai Mũi Họng Nhi cho đồng nghiệp đang công tác trong lĩnh vực Tai Mũi Họng (TMH), Nhi khoa và các chuyên ngành có liên quan. Qua đó, góp phần điều trị, chăm sóc sức khỏe bệnh nhi ngày càng tốt hơn.

Hội nghị khoa học Tai Mũi Họng Nhi thường niên năm 2023

Hội nghị khoa học Tai Mũi Họng Nhi thường niên năm 2023

Hội nghị khoa học TMH Nhi thường niên năm 2023 có chủ đề: “Liên chi hội TMH Nhi - 10 năm thành lập và phát triển”. Tại đây, các báo cáo viên là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực TMH Nhi, đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích như: Cập nhập cấy ốc tai điện tử; đặc điểm đường thở TMH ở trẻ em; khảo sát tình hình điều trị sẹo hẹp thanh khí quản tại BV Tai Mũi Họng TP. HCM; biểu hiện lâm sang bệnh Lymphoma Burkitt vùng đầu cổ ở trẻ em; khuynh hướng phục hồi chức năng Tai Mũi Họng trẻ em; khuynh hướng sử dụng thuốc trong TMH Nhi; đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng trẻ nghe kém tiếp nhận thần kinh tại bệnh viện Nhi Đồng 1 từ 1/2022 đến 6/2023; chỉnh hình tai nhỏ bằng phương pháp Brent cải tiến tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - 7 năm nhìn lại,…

Chia sẻ về đặc điểm đường thở TMH ở trẻ em, BS.CKII Nguyễn Tuấn Như - Trưởng khoa TMH Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đường thở trẻ em khác biệt so với người lớn do có cấu trúc nhỏ và chưa hoàn thiện về chức năng, biểu hiện lâm sàng kín đáo và diễn tiến nhanh đến suy hô hấp. Do vậy, chỉ định cận lâm sàng phù hợp giúp đánh giá tổn thương đường thở đầy đủ, kịp thời, tránh nguy cơ gây mê nhiều lần và kéo dài thời gian chẩn đoán và điều trị.

Hiện nay, việc can thiệp điều trị điều trị đường thở ở trẻ em còn nhiều khó khăn và chưa thống nhất. Tuy nhiên, việc can thiệp sớm các bất thường đường thở sẽ giúp trẻ tránh được nguy cơ mở khí quản: tắc nghẽn đường thở, phát triển ngôn ngữ. “Thành công trong can thiệp điều trị đường thở phụ thuộc vào việc đánh giá toàn diện tình trạng bệnh nhân, lựa chọn phương pháp can thiệp và thời điểm can thiệp, cũng như nhân lực và cơ sở vật chất”, BS.CKII Nguyễn Tuấn Như nhấn mạnh.

Về các chương trình phục hồi chức năng cho bệnh nhi liên qua đến TMH, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Hội Y học TP. HCM, Chủ tịch Liên chi hội TMH Nhi (nhiệm kỳ II 2018 – 2023) cho rằng các chương trình phục hồi chức năng cho bệnh nhi trong TMH đã được đề cập nhiều nhưng chưa áp dụng phổ biến trong các cơ sở y tế; số lượng bác sĩ và kỹ thuật viên vẫn còn thiếu. Hoạt động đội nhóm chưa được thực hiện đồng bộ; quan tâm đến phục hồi chức năng cho trẻ song song với điều trị nội và ngoại khoa, sẽ nâng cao hiệu quả điều trị và tăng cường chất lượng cuộc sống cho trẻ và gia đình.

Ban chấp hành Liên chi hội Tai Mũi Họng Nhi nhiệm kỳ III (2023 - 2028)

Ban chấp hành Liên chi hội Tai Mũi Họng Nhi nhiệm kỳ III (2023 - 2028)

Hội nghị Khoa học TMH thường niên 2023 cũng khép lại nhiệm vụ của Ban chấp hành Liên chi hội TMH Nhi nhiệm kỳ II (2018 - 2023) với nhiều thành quả nổi bật trong công tác huấn luyện, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế,... 

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung nhận định, trong nhiệm kỳ II (2018 - 2023), Liên chi hội TMH TP. HCM đã đạt được 2 kết quả nổi bật: Thứ nhất, giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Liên chi hội đã tổ chức chương trình “Cập nhật kiến thức về Covid - 19 và nhiễm khuẩn tai mũi nhi ở trẻ em” để kịp thời cập nhật kiến thức phòng chống dịch và kỹ năng khám, tư vấn trực tuyến linh hoạt, phù hợp với bối cảnh thực tế; thứ hai, liên chi hội đã đăng cai tổ chức Hội nghị TMH Nhi Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 8 (APOG 2022). Hội nghị này đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành uy tín trong nước và quốc tế, qua đó đã góp phần kết nối, phát triển, đưa ngành TMH Nhi của Việt Nam hội nhập với thế giới.

Ngọc Lan

comment Bình luận