Hưởng ứng Ngày Toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt 2/11

Theo Tổ chức Y tế Thế giới ước tính hiện có khoảng 1,88 tỷ người trên toàn thế giới có nguy cơ thiếu I-ốt. Gần một phần ba dân số thế giới sống ở các khu vực có hàm lượng I ốt trong tự nhiên thấp do đó cần thiết phải thường xuyên can thiệp bổ sung I ốt trong bữa ăn hàng ngày.
17:06 | 31/10/2024

Theo đó, khoảng 29,8% (241 triệu) trẻ em ở độ tuổi đi học trên toàn cầu được ước tính không ăn đủ lượng I-ốt. Rất nhiều trong số trẻ em này sống ở khu vực Đông Nam Á (76 triệu), trong đó có Việt Nam và khu vực Châu Phi (58 triệu).

Qua khảo sát muối/gia vị mặn bổ sung I-ốt năm 2021: Bệnh viện Nội tiết Trung ương phối hợp với UNICEF đánh giá hàm lượng I-ốt trong 4 loại gia vị mặn chính được bổ sung I-ốt hiện có trên thị trường tại hệ thống bán hàng khu vực miền Bắc, Trung và Nam bộ gồm muối I-ốt, bột canh I-ốt, hạt nêm I ốt, xì dầu/nước tương I-ốt. Các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại, sẵn có trong các cửa hàng và có nhiều thương hiệu tham gia sản xuất. Đây là một nguồn cung cấp vi chất I-ốt quan trọng cho các hộ gia đình trong cộng đồng.

Mối nguy hiểm do thiếu I-ốt không chỉ có bệnh bướu cổ đơn thuần mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của con người, từ thời kỳ bào thai, sơ sinh, trẻ nhỏ và người trưởng thành.

Tình trạng thiếu I-ốt có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong thời gian sống của con người. Tùy thuộc giai đoạn phát triển của cơ thể mà tình trạng thiếu I-ốt gây ra các rối loạn bệnh lý khác nhau.

Tuổi thanh thiếu niên và trưởng thành biểu hiện thường gặp và nhẹ nhất là bệnh bướu cổ. Thiếu I-ốt ở các giai đoạn sớm, nhất là thời kỳ bào thai gây nên những khuyết tật, tổn thương của hệ thần kinh và não bộ như đần thần kinh, đần phù niêm, sảy thai, đẻ non, chậm phát triển trí tuệ, thể chất, tâm sinh lý.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhiều nhất do các rối loạn do thiếu I ốt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trẻ sơ sinh. Thiếu I-ốt thời kỳ bào thai có nguy cơ gây suy giảm sự phát triển của hệ thần kinh thai nhi không hồi phục. Nhóm nhạy cảm khác là trẻ nhỏ ở thời kỳ bú mẹ vì giai đoạn này sữa mẹ hầu như là nguồn duy nhất cung cấp I ốt cho trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu đời.

Hậu quả của các rối loạn do thiếu I ốt:

- Thời kỳ bào thai: Sảy thai, đẻ non, tăng tử vong chu sinh, thiểu năng trí tuệ, câm điếc, liệt cứng chi, lác mắt, thiểu năng trí tuệ, lùn.

- Thời kỳ sơ sinh: Bướu cổ, thiểu năng giáp sơ sinh.

- Thời kỳ trẻ em và thanh niên: Bướu cổ, thiểu năng giáp ở thanh niên, khuyết tật chức năng thần kinh, chậm phát triển thể lực.

- Thời kỳ người lớn: Bướu cổ và các biến chứng, thiểu năng giáp, hư hại chức năng thần kinh.

Có nhiều biện pháp phòng chống các rối loạn do thiếu I ốt, một trong những biện pháp hiệu quả đó là bổ sung I ốt vào muối ăn hằng ngày. Các nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho thấy đây là một biện pháp phòng bệnh có hiệu quả nhất, thực hiện đơn giản và chi phí thấp nhất.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mỗi người chỉ nên ăn dưới 5g muối/ngày.

5g muối tương đương với: 1 thìa cà phê muối đầy; 1,5 thìa cà phê bột canh; 2 thìa cà phê hạt nêm; 2,5 thìa ăn cơm nước mắm; 3,5 thìa ăn cơm nước tương, xì dầu; 3 thìa cà phê đầy mì chính.

Mọi người, mọi nhà hãy sử dụng muối i-ốt làm muối ăn hàng ngày để chủ động phòng ngừa bệnh bướu cổ, các rối loạn do thiếu I ốt khác. Một việc làm đơn giản mà mang lại hiệu quả thiết thực nhằm bảo vệ sức khỏe cho gia đình và là tăng cường trí thông minh của con trẻ.

Thùy Vinh

comment Bình luận