TP. HCM: Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh trong tình hình mới

UBND TP. HCM có báo cáo về thực hiện Chỉ thị 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
19:50 | 15/01/2025

Theo đó, triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31/CTTTg, xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ ưu tiên đi đầu trong giáo dục và vận động học sinh tuân thủ việc chấp hành nghiêm túc Luật giao thông, TP. HCM đã tăng cường triển khai thực hiện các chương trình, dự án, mô hình, giải pháp kỹ năng về đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực trường học.

Công an Thành phố cùng các đội tình nguyện đã bố trí lực lượng ứng trực tại khu vực cổng các trường học vào thời gian đầu và cuối giờ học, ngày khai giảng, nhất là những ngày mưa bão, kỳ thi tốt nghiệp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho các em học sinh đến trường. Đồng thời, xử lý các trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông; phụ huynh giao xe cho học sinh không đủ tuổi điều khiển; dừng, đỗ xe sai quy định dưới lòng đường, trên hè phố, khu vực đường ngang gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Về xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến lứa tuổi học sinh; lực lượng chức năng đã lập biên bản 589.320 trường hợp. Trong đó, xử phạt liên quan tới lứa tuổi học sinh: 19.006 trường hợp (tăng 10.122 trường hợp so với liền kề); ước tính thành tiền: 17.627.550.000 đồng; tạm giữ: 11.500 xe môtô, 218 phương tiện khác.

Qua đó, lập biên bản 5.637 trường hợp giao, để phương tiện cho học sinh không đủ điều kiện khiển phương tiện; Gửi thông báo 12.068 trường hợp học sinh vi phạm về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31/CT-TTg.

Cảnh sát giao thông TP. HCM lập biên bản xử lý đối với học sinh vi phạm giao thông (Ảnh minh họa: congly.vn)

Cảnh sát giao thông TP. HCM lập biên bản xử lý đối với học sinh vi phạm giao thông (Ảnh minh họa: congly.vn)

Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới; về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới;…

Tiếp tục tập trung xử lý các hành vi vi phạm đã được Bộ Công an xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT cho lứa tuổi học sinh: Vi phạm về nồng độ cồn, ma túy khi điều khiển phương tiện; chạy quá tốc độ cho phép; chở quá số người quy định; không đủ tuổi điều khiển phương tiện; không có giấy phép lái xe; vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; giao, để phương tiện cho người không đủ điều kiện khiển phương tiện, phương tiện vận chuyển đưa đón học sinh không đảm bảo an toàn kỹ thuật, hết niên hạn sử dụng.

Tiếp tục lồng ghép thực hiện quyết liệt việc kiểm soát nồng độ cồn, ma túy; hoạt động kinh doanh vận tải hàng khách đường bộ nhằm tạo chuyển biến tích cực hơn nữa tình hình, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa trong nhân dân và lứa tuổi học sinh. Lực lượng thực thi công vụ khi xử lý các vi phạm pháp luật giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Tăng cường nắm tình hình, bố trí lực lượng, kịp thời ngăn chặn, xử lý không để các đối tượng thanh thiếu niên tổ chức đua xe trái phép, chạy xe đánh võng, lạng lách qua nhiều tuyến đường gây mất an toàn giao thông cho người tham gia giao thông. Các trường hợp vi phạm phải chuyển cơ quan điều tra thu thập tài liệu, củng cố hồ sơ, nếu đủ căn cứ phải xử lý nghiêm theo pháp luật hình sự để tuyên truyền, phòng ngừa chung. Khi ngăn chặn bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia và người dân. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, tăng cường tính vũ trang, trấn áp các đối tượng manh động chống người thi hành công vụ.

Làm tốt công tác tuyên truyền đưa nội dung Luật Đường bộ số 35/2024/QH15 và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15; phổ biến các kiến thức và kỹ năng lái xe, tham gia giao thông an toàn cho người dân, trọng tâm là lứa tuổi học sinh thế hệ công dân tương lai có văn hoá giao thông văn minh và các bậc phụ huynh không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; chú ý nội dung và phương pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả đối với từng đối tượng, từng vùng miền, dân cư; khuyến khích học sinh sử dụng xe đạp, xe đạp điện và các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là tuyến Metro số 1 Suối Tiên - Bến Thành đã được đưa vào hoạt động để giảm áp lực cho phụ huynh trong việc đưa, đón.

Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ cao tốc, quốc lộ và các tuyến đường đô thị trọng yếu, bảo đảm đạt điều kiện an toàn cao cho tất cả các đối tượng nói chung và lứa tuổi học sinh nói riêng khi tham gia giao thông. Khẩn trương khắc phục các “điểm đen” trên các tuyến đường có trường học theo phân cấp quản lý; đẩy mạnh phát triển mới các loại hình phương tiện giao thông công cộng; khai thông những tuyến đường thủy để phát triển đa dạng các hình thức đưa đón học sinh.

Thường xuyên rà soát, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý tại các khu vực trường học, tổ chức lại, điều chỉnh, khắc phục các điểm bất hợp lý, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là các trường hợp ngay sát các quốc lộ, ven sông, tuyến đường nhiều phương tiện đi lại vào các khung thời gian học sinh đến trường, tan học.

Xây dựng cơ chế hỗ trợ các nhà trường tổ chức phương tiện đưa đón học sinh an toàn; chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tổ chức xe đưa, đón học sinh phù hợp lứa tuổi, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý điều hành giao thông nhằm tối ưu hóa khả năng thông hành của phương tiện, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Minh Thư

comment Bình luận