TP. Cần Thơ: Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu

Thực hiện Công văn số 352/GDSKTW ngày 9/7/2024 của Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương về việc tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ đã có văn bản đề nghị các đơn vị căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị, tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu.
9:33 | 12/07/2024

Theo đó, bệnh viện tuyến thành phố; bệnh viện đa khoa quận/huyện; trung tâm y tế quận/huyện thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để có biện pháp khoanh vùng và cách ly kịp thời. Truyền thông nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của bệnh, đường lây, dấu hiệu phát hiện sớm và cách phòng. Thông tin về tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, địa điểm tiêm, lịch tiêm thường xuyên và tiêm nhắc lại, đối tượng tiêm chủng. Đồng thời, vận động các gia đình đi tiêm vắc xin đúng lịch, đủ mũi tiêm.

Khi nghi ngờ bị bệnh, tuân thủ điều trị về cách ly và điều trị của cơ quan y tế. Người dân trong vùng dịch nghiêm chỉnh chấp hành việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

TP. Cần Thơ tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu

TP. Cần Thơ tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh bạch hầu

Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, trẻ em và người dân sinh sống trong vùng dịch sẽ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Do đó, ưu tiên tăng cường truyền thông ở nơi có xảy ra ca dịch, nơi có nguy cơ cao, khu vực đông dân cư sinh sống, trường học, khu nhà trọ, khu công nghiệp có nhiều công nhân lao động.

Về công tác truyền thông, ưu tiên kênh truyền thông đại chúng như đài truyền thanh địa phương, truyền thông lưu động. Đặc biệt, tăng cường truyền thông qua mạng xã hội như facebook, zalo,… để thông tin tuyên truyền được chuyển tải đến đông đảo người dân nhanh chóng, kịp thời.

Đối với khu vực có xảy ra ca bệnh hoặc nghi ngờ có dịch, cần đẩy mạnh kênh truyền thông trực tiếp, tư vấn hộ gia đình cho người nhà và bệnh nhân các biện pháp phát hiện bệnh sớm, chăm sóc, điều trị và phòng bệnh kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu theo chỉ định của cơ quan y tế.

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm, lây theo đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp. Bệnh rất nguy hiểm, dễ gây thành dịch và có tỷ lệ tử vong cao. Theo thông tin giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, hiện tại, đã có 3 ca bệnh bạch hầu xuất hiện ở 2 tỉnh Nghệ An và Bắc Giang, trong đó đã có ca tử vong và nhiều ca nghi ngờ do tiếp xúc gần với ca bệnh, nguy cơ bệnh lây lan ra cộng đồng rất cao.

Bảo Bình

comment Bình luận