Tổng kết công tác y tế dự phòng khu vực Tây Nguyên năm 2023

Vừa qua, Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã tổ chức hội nghị giao ban tổng kết công tác y tế dự phòng khu vực Tây Nguyên năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 2024. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã tới tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
17:31 | 13/03/2024

Phát biểu tại hội nghị, tiến sĩ Viên Chinh Chiến – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, cho biết: Năm 2023 tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận dịch sốt xuất huyết dengue với số ca mắc và tử vong cao, diễn biến bất thường so với quy luật cũ. Ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại tăng. Dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, nhiều dịch bệnh tăng so với năm 2022 (tay chân miệng, thủy đậu, lỵ,…). Bệnh sởi giảm nhưng vẫn cần hết sức cảnh giác vì đang là chu kỳ dịch.

Công tác phòng chống, giám sát dịch bệnh luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng đáp ứng, nhanh chóng tổ chức điều tra, khoanh vùng xử lý triệt để không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. Các địa phương tích cực triển khai các hoạt động tiêm chủng thường xuyên, tăng cường tiêm chủng vắc xin Covid-19. Công tác kiểm nghiệm nghiệm an toàn thực phẩm hoạt động có hiệu quả, hỗ trợ tốt cho việc xác định căn nguyên gây ngộ độc do vi sinh vật trong công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm. Các hoạt động y tế dự phòng khác triển khai tích cực.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Bên cạnh các kết quả đạt được, tiến sĩ Viên Chinh Chiến cũng nêu lên một số yếu tố khiến công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm tại khu vực Tây Nguyên gặp khó khăn như do nhiều khu vực vùng sâu vùng xa, di biến động dân cư mạnh, đồng bào dân tộc thiểu số nhiều, hệ thống y tế tại tuyến cơ sở còn yếu về chuyên môn và thiếu về nhân lực. Ngoài ra, hoạt động phòng chống dịch bệnh thiếu kinh phí cho công tác y tế dự phòng ở các cấp. Ở một số địa phương chính quyền còn chưa quan tâm nhiều đến công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng và tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên chưa đạt tiến độ do tình trạng thiếu vắc xin.

Để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả hơn, Tiến sĩ Viên Chính chiến nhấn mạnh, trong năm 2024 sẽ tăng cường chỉ đạo, phối hợp với các Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp chủ động phòng chống dịch, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Tập trung giám sát, chỉ đạo tăng cường chất lượng và tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin. Cần quan tâm các bệnh dịch cổ điển đặc biệt là dại, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, thủy đậu,… vì đang có xu hướng tăng so với các năm trước. Đặc biệt lưu ý nguy cơ bùng phát sởi. Phát hiện nhanh và xử lý kịp thời 100% các bệnh dịch mới phát sinh; chủ động triển khai phòng chống các dịch bệnh nhóm A nếu xuất hiện; khống chế kịp thời không để dịch lớn xảy ra…

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk báo cáo kết quả triển khai hoạt động dinh dưỡng năm 2023

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk báo cáo kết quả triển khai hoạt động dinh dưỡng năm 2023

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe 5 báo cáo tham luận đến từ một số đơn vị trong ngành y tế như: “Báo cáo kết quả triển khai hoạt động dinh dưỡng năm 2023, khó khăn, tồn tại và kiến nghị” của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk; “Báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và dại trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2023” của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai; tham luận “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại tỉnh Lâm Đồng” của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao những cố gắng và các kết quả mà khu vực Tây Nguyên đã đạt được. Thứ trưởng khẳng định, thời gian qua có rất nhiều khó khăn nhưng hệ thống y tế của các địa phương dưới sự chỉ đạo của UBND các tỉnh đã vượt qua các khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều thách thức mà các thách thức cũng tương tự như các khu vực khác trên cả nước, qua các cuộc họp và làm việc của Bộ với các đơn vị, Bộ cũng đã hết sức quyết liệt trong các vấn đề còn tồn tại, điển hình như việc thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Về vấn đề ngày, các địa phương đã san sẻ với khó khăn của Bộ, đồng thời đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tiêm bù, tiêm vét sau khi được phân bổ vắc xin.

Cũng theo thứ trưởng, qua các báo cáo của địa phương có thể thấy tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt có 2 bệnh gia tăng trong năm 2023 là tay chân miệng và bệnh dại, các bệnh còn lại có thể giảm trong năm 2023 nhưng nguy cơ bùng phát và gia tăng trong năm 2024 là rất cao. Để đạt hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng, bệnh dại cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác, thứ trưởng đề nghị các tỉnh trong các báo cáo cần làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan đối với các dịch bệnh gia tăng để qua đó tìm ra được các giải pháp để xử lý.

Đồng thời, để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh năm 2024 sắp tới, thứ trưởng Liên Hương cũng đề nghị các đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, hoạt động như sau: Chủ động tham mưu, trình HĐND, UBND các cấp về ban hành các chính sách thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Trong đó đặc biệt chú trọng việc về kinh phí, định mức chi cho hoạt động phòng chống dịch và mua sắm tại mỗi địa phương; Sở Y tế cần đầu tư hoạt động giám sát, kiểm tra chất lượng hoạt động thống kê báo cáo. Có giám sát mới phát hiện kịp thời ca bệnh để đáp ứng; Sở Y tế cần xây dựng và phê duyệt kế hoạch ứng phó, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực và kinh phí; phối hợp với các đơn vị trong hệ thống y tế để thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực cán bộ y tế các tuyến bao gồm cả liên ngành thú y, quân y và y tế ngành, đặc biệt là với các vấn đề, yếu tố mới phát sinh trong thực tế; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng chống dịch trong cộng đồng để từ đó gắn hoạt động phòng chống dịch là công việc thường xuyên, liên tục của mỗi người dân và các cấp chính quyền, đoàn thể.

Mai Lê

comment Bình luận