Tôn sư trọng đạo – Nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam

Việt Nam là một dân tộc có nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp, trong đó phải kể đến truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo”. Coi trọng học vấn và kính trọng người thầy là những yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị tinh hoa của nền văn hóa giáo dục Việt Nam.
7:35 | 08/11/2024

Việt Nam là một dân tộc có nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp, trong đó phải kể đến truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo”. Dù trải qua nhiều biến cố của lịch sử thì truyền thống đó vẫn không bao giờ thay đổi. Coi trọng học vấn và kính trọng người thầy (tức là vì “trọng đạo” mà “tôn sư”) là những yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị tinh hoa của nền văn hóa giáo dục Việt Nam. Vai trò của người thầy luôn được đề cao và coi trọng, người thầy và tấm gương đạo đức của người thầy luôn tiêu biểu cho sự cao đẹp trong xã hội, nghề dạy học được thừa nhận là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Cô Nguyễn Thúy Hà (Giáo viên trường THPT Đồng Hòa - Hải Phòng) luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho học trò

Cô Nguyễn Thúy Hà (Giáo viên trường THPT Đồng Hòa - Hải Phòng) luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho học trò

Dưới chế độ phong kiến, vị trí người thầy được xếp hàng thứ hai trong xã hội, chỉ sau vua và trên cả cha mẹ. Hình ảnh người thầy đã đi vào ca dao, tục ngữ của dân tộc Việt Nam: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; "Không thầy đố mày làm nên";  “Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi / Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng”; "Công cha nghĩa mẹ ơn thầy / Ngày sau khôn lớn ơn dày biển sâu"; "Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy"; “Muốn sang thì bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”…; và là chủ đề sáng tác vô tận của giới thi ca, nghệ sỹ với rất nhiều bài hát để đời như: Người Thầy, Bụi phấn, Khi tóc thầy bạc trắng, Nhớ ơn thầy cô…

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã từng lưu danh những tấm gương đạo đức sáng ngời về cốt cách thanh cao, tài giỏi, đức độ, mẫu mực, cương trực, không màng danh lợi của những người thầy giáo lỗi lạc mà tên tuổi của họ đã làm rạng rỡ nền giáo dục nước nhà, tô thắm thêm truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Đó là thầy giáo Chu Văn An (thời Trần); Trần Ích Phát (thời Lê Sơ), Nguyễn Bỉnh Khiêm (thời Mạc); Nguyễn Thiếp (thời hậu Lê và Tây Sơn); Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Sinh Sắc (triều Nguyễn),…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng có thời gian ngắn dạy học tại Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Thông qua các bài viết, bài nói chuyện với các thầy cô giáo, Người luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy và khẳng định họ chính là những người “khai tâm mở trí”, với nhiệm vụ cao quý, vẻ vang: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục,… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”.

Theo nhà giáo dục học Comenxki (Tiệp Khắc) thì “dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời đã nói: “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.

Vậy vì sao nghề dạy học lại được coi là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”? Trong vũ trụ bao la và trong cuộc sống có vô vàn những thứ quý giá, nhưng thứ quý giá nhất đó chính là con người. Bởi vì, con người chính là “Hoa” của Đất Trời, là “tinh anh” của vạn vật, là viên “minh châu” quý giá nhất thế gian. Vì vậy những người làm nghề dạy học lại càng quý giá, bởi vì họ dạy con người. Họ không chỉ có kiến thức uyên thâm, trí tuệ mẫn tiệp, mà trước tiên cần phải có nhân cách thanh cao, đạo đức sáng ngời và có uy tín trong xã hội. Do đó, nghề dạy học, chăm lo phát triển con người là một nghề cực kỳ khó khăn, vất vả, cho nên mới được đánh giá là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Tính “cao quý nhất” của nghề dạy học được thể hiện ở chỗ trong việc dạy học thì việc dạy đạo lý, dạy làm người, rèn đạo đức nhân cách được đặt lên hàng đầu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Người thầy phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức, giữ gìn nhân cách, cân nhắc ứng xử, thái độ đúng mực gương mẫu cho học trò học tập, mỗi thầy cô giáo chính là tấm gương đạo đức sáng ngời cho học trò học tập, noi theo. Người thầy phải có tấm lòng hết mực yêu thương, quý trọng con người, thấu hiểu con người, luôn biết thông cảm sẻ chia sâu sắc với người học, có lòng vị tha và bao dung hết mực. Với những giá trị lớn lao, sự chuẩn mực, tính nhân văn sâu sắc mang đậm tình yêu thương và bầu trời tri thức đã tạo nên sự “cao quý nhất” của nghề giáo – nghề dạy học.

Những áp lực của nghề cao quý trong cuộc sống đời thường

Trước tình trạng chất lượng đầu vào, đầu ra của sinh viên ngành sư phạm thấp, sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc làm, hoặc xin được việc làm nhưng mãi không “vào” được biên chế, lương thấp không đủ sống, dẫn tới tình trạng nhiều giáo viên sau nhiều năm gắn bó đã bỏ nghề đi làm việc khác. Trước tình trạng đó, những năm gần đây, Chính phủ và các địa phương đã có những chính sách quan tâm nhằm “kích cầu” ngành sư phạm như: tăng ngân sách cho giáo dục, cải cách tiền lương, miễn học phí, trợ cấp tiền hàng tháng cho sinh viên ngành sư phạm trong suốt quá trình học, hỗ trợ việc làm, nhà ở, hỗ trợ tiền đi học tập nâng cao trình độ, tăng chế độ tiền thưởng, thi đua, Lễ, Tết,…

Cô giáo Phạm Thị Hằng trong giờ lên lớp tại Trường Tiểu học Quán Trữ (Kiến An, Hải Phòng)

Cô giáo Phạm Thị Hằng trong giờ lên lớp tại Trường Tiểu học Quán Trữ (Kiến An, Hải Phòng)

Nhờ vậy, phần nào ngành sự phạm đã lấy lại vị thế của mình và trở thành một trong những ngành “hót” với số lượng sinh viên đầu vào ngày càng đông, điểm đầu vào nằm trong tốp những ngành có điểm cao nhất hiện nay.

Nhìn bề ngoài có vẻ như nghề dạy học là một nghề “việc nhẹ mà lương cao”, nhưng thực tế chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu được những khó khăn vất vả, những áp lực mà họ phải đối mặt hàng ngày. Nghề dạy học được đánh giá là một trong những nghề áp lực nhất hiện nay. Vậy đó là những áp lực gì?

Áp lực đầu tiên là xin được việc làm: Làm thế nào để xin được việc sau khi ra trường? Làm thế nào để thi tuyển vào biên chế (viên chức)? Đây là câu hỏi tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại rất khó. Thực tế cho thấy, có không ít sinh viên ngành sư phạm sau khi tốt nghiệp ra trường phải chật vật mãi mới xin được dạy hợp đồng, chưa nói đến trúng tuyển viên chức. Đây là một áp lực rất lớn đối với những gia đình không có điều kiện về kinh tế, không có mối quan hệ trong xã hội hiện nay.

Ông C ở Quận Kiến An (Hải Phòng) cho biết: “Con tôi tốt nghiệp sư phạm Toán của Đại học Hải Phòng năm 2019, sau khi ra trường xin dạy hợp đồng tại một trường THCS trên địa bàn quận, nhưng sau 4 năm chờ đợi để thi tuyển viên chức không được mặc dù gia đình đã chồng một khoản tiền khá lớn, nhưng vì nhiều lý do cho nên không được. Gia đình tôi đành phải đăng ký thi tuyển viên chức cho cháu ở mãi huyện An Lão mới được”.

Chị H là một giáo viên mầm non đã trúng tuyển viên chức cách đây 5 năm cho biết: Cứ tưởng ra trường với tấm bằng loại giỏi, có năng lực bẩm sinh ca hát, năng khiếu đoàn đội, dẫn chương trình là mình sẽ nhanh chóng xin được việc, nhưng tôi đã nhầm vì xã hội bây giờ đôi khi không như mình nghĩ?

 Gạt bỏ những áp lực đời thường, cô giáo Nguyễn Thị Mai Xuân, trường THCS Bắc Sơn (Quận Kiến An, TP. Hải Phòng) luôn nở nụ cười với học trò mỗi khi lên lớp

Gạt bỏ những áp lực đời thường, cô giáo Nguyễn Thị Mai Xuân, trường THCS Bắc Sơn (Quận Kiến An, TP. Hải Phòng) luôn nở nụ cười với học trò mỗi khi lên lớp

Vậy sau khi vào nghề thì sao? Có thể nói, với những người “lái đò” vấn đề muôn thuở vẫn là “cơm áo gạo tiền”, lương thấp. Mặc dù hai năm trở lại đây chính sách tiền lương đã có sự thay đổi tương đối lớn (năm 2023 lương tăng 20,5%; năm 2024 tăng 30%), tuy nhiên mức tăng trên vẫn chưa đủ để đáp ứng cuộc sống của thầy cô giáo, chưa tương xứng với những giá trị mà các thầy cô đã trao đi, trong khi đó lương tăng thì giá cả thị trường cũng tăng theo, thậm chí còn tăng cao hơn và trước khi lương tăng.

Để khắc phục những khó khăn của cuộc sống đời thường, một số giáo viên đã “tranh thủ” tổ chức các lớp học thêm tại nhà, tại trường hoặc trung tâm để tăng thêm thu nhập. Việc tổ chức dạy thêm, học thêm của giáo viên không phải họ cứ muốn là được, mà phải được sự cho phép của lãnh đạo nhà trường, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu tự nguyện. Chương trình giáo dục phổ thông mới, lượng kiến thức nhiều, khó, thời lượng học chính khóa chưa đáp ứng đủ, trong khi nhận thức của học sinh còn hạn chế. Làm thế nào để bổ sung kiến thức cho học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy luôn là trăn trở không chỉ của các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy, mà còn là sự lo lắng của các bậc cha mẹ học sinh hiện nay.

Như vậy, nhu cầu học thêm và dạy thêm diễn ra là một tất yếu. Thế nhưng, không ít người do chưa hiểu rõ vấn đề lại cho rằng, một số thầy cô vì “tham tiền” mà tổ chức dạy thêm? Điều này đã làm tổn thương đến lòng tự trọng của những người “lái đò”. Để việc dạy thêm, học thêm hiện nay diễn ra một cách thuận lợi, tránh gây hiểu lầm, hiểu sai về người thầy và nghề dạy học thì cần phải có những quy định cụ thể mang tính pháp lý. Đồng thời, cần có sự vào cuộc, tháo gỡ của các cơ quan chuyên môn để nghề dạy học có thể “làm thêm” một cách công khai như những nghề khác, điển hình là nghề thầy thuốc, khi các bác sỹ sau khi hết giờ làm việc ở bệnh viện họ về mở phòng khám tư nhân.

 Sự tận tâm, tận tình của thầy cô đã làm nên tính cao quý của nghề giáo    (Cô giáo Phạm Thị Mỹ Nga và học sinh lớp 4A6, trường Tiểu học Nguyễn Du, Kiến An, Hải Phòng)

Sự tận tâm, tận tình của thầy cô đã làm nên tính cao quý của nghề giáo (Cô giáo Phạm Thị Mỹ Nga và học sinh lớp 4A6, trường Tiểu học Nguyễn Du, Kiến An, Hải Phòng)

Vì lương thấp nên phải dạy thêm, nhưng dạy thêm thì lại bị “soi mói”, cho nên không ít thầy cô giáo mặc dù vẫn gắn bó với nghề nhưng họ sẽ không thể toàn tâm toàn ý để làm việc và cống hiến, bởi vì đằng sau họ còn có cuộc sống của gia đình. Vì vậy không ít thầy, cô giáo đã mạnh dạn làm thêm nhiều nghề nhằm nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình như bán hàng online, shiper, “cò đất”, sale du lịch, MC, sự kiện, bán vé máy bay, xe ôm grab, taxi, làm trang trại, buôn bán hàng nông sản từ quê ra thành phố, thậm chí có những thầy cô sẵn sàng bỏ nghề sau bao năm đèn sách.

Trao đổi với phóng viên, thầy Thành từng có 15 năm gắn bó với ngành giáo dục huyện An Lão, được rất nhiều đồng nghiệp, học trò quý mến, kính trọng, từng có nhiều giải học sinh giỏi cấp thành phố, nhưng thầy đã quyết định bỏ nghề dạy học để chuyển sang làm du lịch: “Vất vả lắm anh ạ, 15 năm phấn đấu mà lương thấp không đủ sống, trong khi đó môn của em lại là môn phụ không dạy thêm được. Do vậy sau nhiều đêm trăn trở em đã quyết định bỏ nghề giáo trước sự phản đối kịch liệt của gia đình và người thân để xin vào làm tại Công ty du lịch Hòa Bình”, Thầy Thành chia sẻ.

Cùng cảnh với thầy Thành, thầy Năng cũng có 18 năm gắn bó với ngôi trường Tiểu học của huyện Tiên Lãng, nhưng vì đồng lương thấp và cuộc sống gia đình, thầy Năng cũng quyết định bỏ nghề để đi làm du lịch.

Khi được hỏi các anh có nuối tiếc khi bỏ nghề dạy học không? Cả hai anh đều trả lời là có, nhưng họ đều khẳng định đây là lựa chọn bắt buộc. Chỉ sau 5 năm làm du lịch giờ đây các thầy đã có nhà đẹp, xe ô tô và nếu cứ gắn bó với nghề giáo thì đến bao giờ mới có được.

Áp lực từ công việc

Nếu chỉ nhìn bề ngoài, các thầy cô giáo, áo quần bảnh bao, “quần là áo lượt”, “sáng xách cặp đi tối xách cặp về” thì ai cũng nghĩ họ sướng thế? Nhưng qua tìm hiểu thực tế mới thấy được đây là một nghề có áp lực công việc rất lớn. Áp lực về mặt thời gian làm việc đặc biệt đối với giáo viên khối mầm non và tiểu học, họ như những người nuôi “con mọn”, từ sáng đến tối, trưa không được nghỉ ngơi vì phải chăm các con ăn, trông các con ngủ. Tiếp đó là áp lực trong việc thực hiện đổi mới chương trình đào tạo, hồ sơ, giáo án, thanh kiểm tra, thực hiện các chuyên đề, kết quả thi đua, áp lực đi học nâng cao trình độ trong khi lương thấp…

Cô giáo Đặng Thị Bích Lệ và học sinh lớp 5A3, trường Tiểu học Nguyễn Du (Kiến An, Hải Phòng)

Cô giáo Đặng Thị Bích Lệ và học sinh lớp 5A3, trường Tiểu học Nguyễn Du (Kiến An, Hải Phòng)

Một cô giáo trường Mầm non Trần Thành Ngọ (Quận Kiến An, TP Hải Phòng) chia sẻ với phóng viên: “Áp lực lắm anh ạ, lúc nào cũng căng như giây đàn ấy. Hàng ngày em phải đi làm sớm từ 6h15 đã có mặt ở lớp quét dọn, lau nhà, đón trẻ, trưa hầu như không được ngủ, phải cho trẻ ăn trưa, sau đó cho trẻ đi ngủ, mà các con có phải nằm cái là ngủ ngay đâu. Chiều phải sau 17h, thậm chí có những hôm muộn hơn mới được về. Đó là chưa kể những hôm họp chuyên môn, chuẩn bị các nội dung sinh hoạt chuyên đề thì còn về muộn nữa”.

Bên cạnh đó, học sinh trong thời đại 4.0 hiện nay vô cùng phức tạp. Chúng chịu ảnh hưởng không nhỏ của không gian mạng, dễ bị kích động tiêu cực, dẫn đến hành vi tiêu cực, không làm chủ được bản thân, dễ bị lôi cuốn vào lối sống không lành mạnh. Do vậy, để giáo dục được học sinh trong thời đại 4.0, đòi hỏi mỗi thầy cô phải thường xuyên học tập không ngừng nâng cao trình độ để kịp thời nắm bắt, tiếp nhận kiến thức mới, xu thế thời đại, tìm tòi phương pháp giáo dục phù hợp, để truyền đạt cho học trò một cách hiệu quả nhất.

Áp lực từ phụ huynh và dư luận xã hội

Có thể nói, chưa bao giờ người giáo viên lại chịu áp lực lớn từ phía phụ huynh và xã hội như hiện nay. Khi đề cập đến phụ huynh, cô giáo Trường tiểu học Quán Trữ (Quận Kiến An – TP. Hải Phòng) nói: “Áp lực nhất đối với giáo viên bọn em là làm thế nào để dạy các con trong hoàn cảnh không được quát mắng, roi vọt. Một số phụ huynh họ tự cho mình cái quyền truy vấn, tra hỏi giáo viên mỗi khi con họ chỉ bị xây xước một chút trong quá trình ở trường nô đùa với bạn bị ngã, mà giáo viên chưa kịp thời thông báo, thậm chí họ làm ầm lên, chụp ảnh tung lên mạng khi chưa tìm hiểu rõ sự việc”.

Áp lực nhất đối với mỗi thầy cô giáo, có lẽ là làm thế nào để dạy giỗ các con trưởng thành

Áp lực nhất đối với mỗi thầy cô giáo, có lẽ là làm thế nào để dạy giỗ các con trưởng thành

Có lẽ công việc “ngại” nhất hiện nay của thầy cô giáo đó là hoạt động triển khai thu các khoản tiền của học sinh đầu năm học mới. Chị H, một giáo viên trường THPT trên địa bàn Hải Phòng than thở: “Khổ lắm em ạ, rõ ràng là mình thu hộ nhà trường, nhưng cứ như là đi xin vậy. Mỗi khi họp phụ huynh, liên quan đến thu tiền, nhà trường phải thông báo đi thông báo lại, họp phụ huynh toàn trường thầy hiệu trưởng đã phổ biến, sau đó lên họp trên lớp giáo viên nhắc lại, ấy thế mà có không ít phụ huynh vẫn chưa thông, đưa lên mạng xã hội những thông tin không được chuẩn xác, làm cho nhà trường và giáo viên lại trở thành tâm điểm của dư luận xã hội…”.

Không những thế, một số phụ huynh tự cho mình một cái quyền có thể chất vấn thầy cô giáo bất cứ lúc nào khi thấy con mình có vấn đề gì đó. Dường như họ cho rằng, nhà trường và đội ngũ thầy cô giáo phải có trách nhiệm hoàn toàn trong việc giáo dục toàn diện cho con của họ. Có những phụ huynh không coi giáo viên ra gì, họ có thể quát mắng, buông lời xúc phạm đến danh dự, thậm chí lao vào hành hung giáo viên khi mới chỉ nghe một chiều câu chuyện từ con mình kể lại, mà không tìm hiểu rõ sự việc, đúng sai? Họ tung lên mạng xã hội, viết đơn tố cáo thầy cô giáo lên các cơ quan chức năng, và khi sự việc được sáng tỏ thì thầy cô cũng đã phải trải qua một phen “lên bờ xuống ruộng”.

Cùng với đó, các nhà trường và thầy cô giáo hiện nay đang phải chịu rất nhiều áp lực từ dư luận xã hội. Khi một học sinh phạm lỗi vi phạm luật giao thông, hút thuốc, vi phạm nồng độ cồn, thậm chí đánh nhau, trộm cắp hay các tệ nạn xã hội khác… thì dư luận xã hội hay quy kết trách nhiệm cho giáo dục mà không hề, hoặc coi nhẹ đề cập đến trách nhiệm của gia đình và các yếu tố khác. Các cụ ta đã tổng kết, cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu đầy đủ nhất trong cách sống, sinh hoạt của các con. Giáo dục gia đình đóng vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách của trẻ, nhưng sự phát triển nhân cách của trẻ còn chịu ảnh hưởng từ nhiều tác động xã hội khác. Do vậy, khi một sự việc xảy ra liên quan đến học sinh, cần đánh giá một cách khách quan về vai trò, trách nhiệm của mỗi bên, tránh tình trạng dồn tất cả trách nhiệm về phía nhà trường và các thầy cô giáo.

Tri ân và thấu hiểu nghề giáo

Ngày 20/11 hàng năm là dịp để xã hội tri ân, thấu hiểu, chia sẻ với ngành giáo dục nói chung và với mỗi thầy cô giáo nói riêng. Thầy cô giáo họ không mong hoa, mong quà, không chông chờ những lời chúc tụng lung linh, mỹ miều từ học sinh, phụ huynh,… mà họ cần và mong mỏi phụ huynh, xã hội nhìn nhận đúng, thấu hiểu và cảm thông về những nhọc nhằn, khó khăn, áp lực mà nghề giáo đang phải gánh chịu. Trong hành trình giáo dục học sinh, rất cần sự đồng hành của các bậc cha mẹ học sinh. Trong quá trình giảng dạy, thầy cô nghiêm khắc với học trò cũng chỉ vì mong muốn cho các con tiến bộ. Tuy nhiên điều này có thể chưa làm vừa lòng một số phụ huynh, trường hợp như vậy nếu xuất hiện, những người thầy mong muốn giữa hai bên cần có sự tương tác chặt chẽ, phối hợp tìm cách giải quyết vấn đề một cách thấu đáo vì mục đích cao cả, chung tay giáo dục các con trưởng thành.

Ngày 20/11 hàng năm là dịp học sinh, phụ huynh và xã hội tri ân các thầy cô giáo

Ngày 20/11 hàng năm là dịp học sinh, phụ huynh và xã hội tri ân các thầy cô giáo

Bên cạnh đó, để các thầy cô “toàn tâm toàn ý” cho sự nghiệp “trồng người”, nhà nước cần tiếp tục quan tâm, chăm lo hơn nữa đời sống nhà giáo thông qua cải cải tiền lương và các chính sách ưu đãi khác. Bởi vì, chừng nào nhà giáo còn “ăn bữa trước lo bữa sau” thì vẫn sẽ còn hiện tượng “chân ngoài dài hơn chân trong”, vừa dạy học vừa phải lo tìm kế sinh nhai cho gia đình, khiến việc nâng cao chất lượng giảng dạy càng trở nên khó khăn.

Từ thực tiễn cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” được Công đoàn giáo dục Việt Nam tổ chức hiện nay đã thu hút hàng vạn bài dự thi của học sinh, sinh viên nói về người thầy. Các tác phẩm là những câu chuyện do chính những học sinh dự thi kể về người thầy giáo, cô giáo của mình, những người đã có những tác động sâu sắc, có dấu ấn đối với bản thân các em, đó là tình yêu, sự chăm sóc, giáo dục, giảng dạy, là phẩm chất, tài năng, trí tuệ, sự hy sinh, cống hiến của các thầy cô giáo đối với học trò của mình.

Cuộc thi đã ghi nhận, tôn vinh, lan tỏa những tấm gương nhà giáo biết khắc phục khó khăn, vượt qua những áp lực của cuộc sống đời thường, nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức, tận tâm tận tình trong công việc giảng dạy, giúp đỡ học sinh sinh viên vượt khó trong hành trình chinh phục tri thức. Hình ảnh, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của những người thầy giáo, cô giáo luôn trong trái tim của các học sinh, sinh viên. Qua đó, góp phần, tuyên truyền, nhân rộng các tấm gương, hình ảnh đẹp về thầy cô giáo, về ngành giáo dục, tô thắm thêm truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam. Cuộc thi cũng giúp học sinh, các bậc cha mẹ và xã hội có thêm niềm tin tưởng đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, đối với mỗi thầy cô giáo, đồng thời tạo động lực cho các thầy cô giáo vượt qua những áp lực của cuộc sống, áp lực của nghề nghiệp, để tiếp tục gắn bó với sự nghiệp “trồng người”.

Văn Chương

comment Bình luận