Tìm hiểu về bệnh zona thần kinh

Bệnh zona thần kinh còn gọi là bệnh zona, tên tiếng Anh là shingles, trong dân gian còn được gọi với tên gọi là “giời leo”. Bệnh zona là bệnh nhiễm trùng da do virus thần kinh varicella zoster (VZV) - virus gây bệnh thủy đậu, thuộc họ virus herpes gây ra. Sau khi người mắc bệnh thủy đậu đã khỏi thì vẫn còn một số virus varicella tồn tại ở trạng thái tiềm tàng nhưng không gây bệnh.
10:46 | 25/11/2024

Các virus này cư trú ở các hạch thần kinh trong nhiều tháng, nhiều năm. Khi gặp các điều kiện thuận lợi như suy giảm miễn dịch, sang chấn tinh thần hoặc suy nhược cơ thể… loại virus này sẽ tái hoạt động. Chúng nhân lên và phát triển lan truyền ra các đầu dây thần kinh cảm giác làm tổn thương niêm mạc da từ đó gây nên bệnh zona. Chính vì vậy, zona là một bệnh ngoài da nhưng lại có tổn thương gốc ở dây thần kinh. Phát ban thường phát triển thành dải đơn ở một bên cơ thể hoặc mặt của người bệnh. Triệu chứng của bệnh thường bắt đầu với những vết sưng đỏ và sau đó biến thành mụn nước chứa đầy chất lỏng, mưng mủ vô cùng khó chịu, ngứa rát.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh zona thần kinh

Biến chứng phổ biến nhất của bệnh zona là tình trạng đau dây thần kinh kéo dài sau khi mụn nước đã khỏi. Tình trạng này được gọi là đau dây thần kinh sau zona và xảy ra do các tổn thương thần kinh làm rối loạn sự dẫn truyền cảm giác đau ở vùng cơ thể bị zona. Đau dây thần kinh sau zona có thể rất nghiêm trọng và gây cản trở cuộc sống lẫn sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh zona ở mặt có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến mắt, bao gồm cả mù lòa. Các biến chứng khác hiếm gặp hơn như viêm phổi, ảnh hưởng thính giác, viêm não hoặc thậm chí tử vong.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vắc xin zona thần kinh

Từ năm 2006, vắc xin đầu tiên chống lại bệnh zona đã được nghiên cứu, phát triển và đưa ra thị trường sử dụng, tuy nhiên vắc xin này vẫn còn tồn tại một số hạn chế cũng như hiệu quả bảo vệ của vắc xin giảm đáng kể trong thập kỷ sau khi tiêm. Do đó, đến năm 2017, một loại vắc xin zona thần kinh Shingrix do hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) sản xuất - chứa một loại protein từ virus Varicella Zoster, là vắc xin bất hoạt, tái tổ hợp (RVZ), không sử dụng virus sống, thúc đẩy khả năng miễn dịch rất mạnh và lâu dài.

Thành phần miễn dịch chính của vắc xin Shingrix là glycoprotein E (gE), một loại protein được tìm thấy trên bề mặt của virus varicella zoster. Sự tiếp xúc miễn dịch với protein gE sẽ kích thích sự phát triển của kháng thể kháng gE và do đó tạo ra khả năng miễn dịch thích ứng với virus varicella zoster. Vắc xin này cũng chứa một hệ thống bổ trợ là AS01B, nhằm tăng cường đáp ứng miễn dịch đối với vắc xin, mang đến khả năng miễn dịch lâu dài hơn và cao hơn đối với virus herpes zoster. Với những tính năng này, loại vắc xin mới đã vượt trội so với loại vắc xin trước đó.

Khi vắc xin zona được đưa vào cơ thể, nó sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể đặc hiệu, chống lại sự tái kích hoạt của virus gây bệnh zona, từ đó có thể bảo vệ người tiêm khỏi bệnh zona thần kinh. Vắc xin ngừa bệnh zona giúp giảm nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh và các biến chứng zona thần kinh liên quan.

Theo các chuyên gia, cứ 3 người lớn sẽ có 1 người mắc zona thần kinh. Sự già hóa dân số, căng thẳng trong công việc và cuộc sống làm cho miễn dịch suy giảm khiến nhiều người bùng phát các đợt cấp zona, nguyên nhân gây các biến chứng như viêm não, viêm màng não, đột quỵ, liệt…

Vì sao nên tiêm phòng vắc xin zona

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và Dự phòng bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), hiệu quả phòng ngừa của vắc xin được ghi nhận như sau:

Người lớn có hệ miễn dịch bình thường, tuổi từ 50-69: Vắc xin phòng zona có hiệu quả lên đến 97% trong việc ngăn ngừa bệnh zona và khoảng 91% ở những người từ 70 tuổi trở lên.

Người từ 50 tuổi trở lên, vắc xin ngừa zona có hiệu quả 91% giúp phòng ngừa viêm thần kinh hậu zona, hiệu quả này đạt 89% ở người từ 70 tuổi trở lên.

Ngoài ra, ở người có hệ miễn dịch suy yếu, vắc xin có hiệu quả trong khoảng 68-91% tùy thuộc vào tình trạng suy giảm miễn dịch của người tiêm vắc xin.

Đối tượng nên tiêm phòng vắc xin zona thần kinh

CDC Hoa Kỳ khuyến nghị rằng tất cả người trưởng thành khỏe mạnh từ 50 tuổi trở lên nên tiêm đầy đủ 2 liều vắc xin phòng bệnh zona để ngăn ngừa bệnh zona và các biến chứng.

Đối với người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc zona thần kinh (người bị suy giảm miễn dịch hoặc bị ức chế miễn dịch hoặc có khả năng bị ức chế miễn dịch do bệnh lý/liệu pháp điều trị…) cũng nên tiêm đầy đủ 2 liều vắc xin phòng bệnh zona.

Cũng theo khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ, một người nên tiêm vắc xin phòng bệnh zona ngay cả khi:

Trước đây đã từng mắc bệnh zona: Nếu đã từng mắc bệnh zona trước đây, vẫn được khuyến cáo nên tiêm vắc xin để giúp ngăn ngừa tối đa nguy cơ tái phát. Tuy nhiên, cần đợi cho đến khi phát ban zona đã biến mất trước khi tiêm vắc xin.

Không chắc chắn liệu bản thân đã bị thủy đậu hay không: Nghiên cứu cho thấy hơn 99% người Mỹ từ 50 tuổi trở lên đã từng mắc bệnh thủy đậu vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời nhưng không nhận biết mình đã từng mắc bệnh. Do đó, khi chưa chắc chắn tiền sử bệnh thủy đậu cần có biện pháp phòng ngừa chủ động bằng vắc xin.

Thanh Nga

comment Bình luận