Tìm hiểu về bệnh đau mắt hột

Bệnh đau mắt hột là căn bệnh truyền nhiễm hàng đầu gây mù lòa trên toàn thế giới và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mù hoặc suy giảm thị lực của khoảng 1,9 triệu người.
17:25 | 20/10/2024

Bệnh đau mắt hột do một loại vi khuẩn nội bào có tên là Chlamydia trachomatis gây ra. Bệnh lây truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch tiết từ mắt và mũi của người bị nhiễm bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ, thường gặp nhất ở trẻ 5 - 6 tuổi. Bệnh tiến triển âm thầm toàn phát sau nhiều năm, có thể tự khỏi, hay có nhiều đợt bội nhiễm viêm kết mạc cấp làm cho bệnh nặng và gây biến chứng, hay gặp ở vùng có điều kiện vệ sinh kém.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Triệu chứng bệnh đau mắt hột

Biểu hiện xuất hiện thường cả 2 bên mắt bao gồm các triệu chứng như: Ngứa mắt nhẹ, sưng mí mắt, kích ứng mắt và mí mắt; có nhiều gỉ mắt chứa nhiều nhầy hoặc dịch mủ; cảm giác đau mắt, nhạy cảm với ánh sáng.

Xuất hiện hột ở mắt: Là những tổ chức hình tròn, hơi nổi lên, màu xám trắng và có mạch máu ở phía trên. Vị trí thường xuất hiện ở kết mạc mi trên hoặc có thể kết mạc mi dưới, cùng đồ, rìa giác mạc. Thường có nhiều hột, kích thước có thể không đều, từ 0,5-1mm.

Xuất hiện nhú gai với đặc điểm: Là những khối có hình đa giác, màu hồng, có 1 trục mạch máu ở giữa, toả ra các mao mạch ở xung quanh.

Sẹo: Xuất hiện điển hình là ở kết mạc mi trên, là những dải xơ trắng hình sao, có nhánh hình thành dạng lưới. Đây là tổn thương chứng tỏ bệnh mắt hột đã tiến triển lâu. Khi có sẹo ở kết mạc mi trên sẽ làm cho lông mi bị mọc ngược vào, chà xát vào giác mạc gây tổn thương, viêm nhiễm tái phát ảnh hưởng tới thị lực.

Đường lây truyền của bệnh mắt hột

Tiến triển của bệnh đau mắt hột hoàn toàn phụ thuộc vào sự tác động qua lại của các yếu tố chính là con người, yếu tố môi trường và tính gây bệnh của tác nhân. Nếu sinh sống tại môi trường có điều kiện vệ sinh tốt, bệnh đau mắt hột nhẹ, ít lây lan, bệnh có thể tự khỏi và không có biến chứng dẫn đến mù lòa. Ngược lại, nếu người bệnh sống ở nơi có điều kiện vệ sinh môi trường kém, bệnh đau mắt hột tiến triển và lây lan mạnh, bệnh có thể có những biến chứng nặng như sẹo, giảm thị lực và gây mù lòa. Những vùng đó gọi là những ổ đau mắt hột lưu địa và bệnh đau mắt hột ở đó có thể gây mù.

Cách phòng ngừa bệnh đau mắt hột

Để phòng bệnh đau mắt hột hiệu quả, trước hết phải nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân trong cộng đồng. Người bệnh không dùng chung các dụng cụ sinh hoạt cá nhân với người lành. Nguồn nước vệ sinh cá nhân phải là nước sạch. Để thanh toán mù loà do bệnh mắt hột theo khuyến cáo của Tổ Chức Y tế Thế giới đưa ra chiến lược SAFE được áp dụng ở nhiều nước với nội dung là:

S (Surgery): Mổ quặm sớm nguyên nhân trực tiếp gây mù, xử trí lông xiêu bằng đốt lông siêu.

A (Antibiotics): Điều trị mắt hột hoạt tính bằng kháng sinh, nhằm tiêu diệt ổ nhiễm khuẩn và hạn chế lây lan bệnh.

F (Face Washing): Rửa mặt hàng ngày bằng nước sạch, khăn mặt riêng, 3 lần/ ngày nhằm loại bỏ chất tiết kết mạc, hạn chế lây bệnh trong gia đình và cộng đồng.

E (Environment Improvements): Cải thiện vệ sinh môi trường cung cấp nguồn nước sạch, xây hố xí hợp vệ sinh, chuồng gia súc xa nhà, kế hoạch hoá gia đình, tạo nơi ở sạch sẽ, rộng rãi.

Đau mắt hột là bệnh có khả năng lây lan nhanh và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường và cần gặp các bác sĩ nhãn khoa ngay khi có những triệu chứng bệnh.

Thái Tuyền – Mỹ Huyền

comment Bình luận