Tiền Giang: Tập trung thu hút đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Tiền Giang thu hút được trên 209.500 người tham gia BHXH, đạt gần 88% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao và chiếm trên 29% lực lượng lao động của tỉnh. Đồng thời, BHXH tỉnh còn phát hành 1.557.322 thẻ BHYT, đạt trên 97% kế hoạch, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 92,6% so dân số toàn tỉnh.
7:28 | 17/09/2023
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông Võ Khánh Bình - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang cho biết, Tổng thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 3.098 tỷ đồng, đạt 53,6% kế hoạch cả năm.

Trong các tháng cuối năm, BHXH tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp quyết liệt thu hút và phát triển người tham gia.

Đơn vị phấn đấu trong năm 2023, thu hút trên 221.000 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, gần 36.000 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Nâng tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 31%, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp 25% và người dân tham gia BHYT đạt 94%. Đồng thời, trong năm 2023, đạt tổng thu BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp và BHYT trên 5.147 tỷ đồng.

Theo ông Võ Khánh Bình, để đạt mục tiêu trong năm 2023, đơn vị xây dựng kế hoạch phù hợp, cụ thể và khả thi nhằm thu hút đông đảo đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Trong đó chú trọng công tác truyền thông đẩy mạnh phát triển BHXH, BHYT trên địa bàn. Mặt khác, tăng cường phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu, các hội, đoàn thể và chính quyền cơ sở tổ chức tốt các hội nghị khách hàng, hội nghị tuyên truyền, thông tin nhằm phát triển người tham gia mới theo kế hoạch được giao. Theo kế hoạch, trong năm, đơn vị tổ chức 160 cuộc hội nghị khách hàng, thu hút 6.400 đối tượng tiềm năng tham gia.

BHXH tỉnh thường xuyên rà soát, cập nhật số lao động thuộc diện tham gia BHXH tại các đơn vị, doanh nghiệp để có biện pháp thu hút đối tượng cụ thể; nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay trên lĩnh vực thu hút BHXH nói chung trên địa bàn cơ sở như: Mô hình phụ nữ tiết kiệm giúp nhau tham gia BHXH tự nguyện, BHYT; mô hình dân vận khéo; mô hình xã hội hóa nguồn kinh phí tặng sổ BHXH tự nguyện và thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn thông qua 2 chương trình "hỗ trợ tặng thẻ BHYT - chia sẻ yêu thương" và "tặng sổ BHXH - của để dành cho người già",…

Ngoài ra, tiếp tục nâng cao chất lượng các công tác nghiệp vụ bảo hiểm, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHXH bắt buộc,… gắn với tổ chức tốt mạng lưới dịch vụ thu BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh, đưa dịch vụ BHXH đến tận hộ dân, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia BHXH, BHYT…

Đơn vị còn đưa ra nhiều giải pháp tích cực đôn đốc thu hồi nợ đọng BHXH trên địa bàn. Theo đó, qua ghi nhận, toàn tỉnh hiện có trên 800 đơn vị chậm đóng BHXH từ 1 tháng đến dưới 6 tháng với tổng số tiền chậm đóng trên 42 tỷ đồng, 156 đơn vị chậm đóng trên 6 tháng với tổng số tiền chậm đóng gần 45 tỷ đồng.

Nhằm khắc phục tình trạng chậm đóng, nợ đóng BHXH trên địa bàn tỉnh, BHXH tỉnh phân công cán bộ đôn đốc các chủ sử dụng lao động khắc phục khó khăn, đăng nộp kịp thời; thành lập các đoàn thanh tra đột xuất và thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp để có biện pháp giải quyết thỏa đáng từng trường hợp cụ thể; phối hợp cùng các ngành hữu quan xem xét, xử lý theo quy định pháp luật những trường hợp cố tình trốn tránh hoặc dây dưa, kéo dài tình trạng nợ đóng BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi công nhân lao động cũng như chủ trương, chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước.

Minh Trí

 
comment Bình luận