Tiền Giang: Hội thảo số trong công tác y tế

Sáng 6/10, tại trung tâm hội nghị tỉnh Tiền Giang, Sở Y tế Tiền Giang tổ chức hội thảo chuyển đổi số trong công tác y tế.
10:08 | 07/10/2023

Chủ trì hội thảo gồm ông Nguyễn Thành Diệu, - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; TS.BS Nguyễn Văn Dương - Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang; TS.BS Trần Quang Hiền – Giám đốc Sở Y tế An Giang; BS.CK II Nguyễn Thanh Linh - Phó Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang; BS.CK II Nguyễn Hữu Diệp - Phó Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang.

Đến tham dự có lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Tiền Giang; lãnh đạo Sở Y tế, bệnh viện Đa khoa khu vực đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Long An, Cần Thơ, Bến Tre,…); các bệnh viện thuộc huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Tại hội nghị, các đại biểu tìm hiểu về vai trò của chuyển đổi số (CĐS) trong ngành y tế; nền tảng thực hiện CĐS. Mục đích của CĐS nhằm thúc đẩy việc số hóa thông tin chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, thông tin khám bệnh, chữa bệnh để hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Theo kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Y tế, bao gồm danh mục các nền tảng số y tế: Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; nền tảng quản lý tiêm chủng; nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; nền tảng trạm y tế xã/phường.

Quan điểm của CĐS trong ngành y tế là lấy người dân làm trung tâm, số hoá dữ liệu sức khoẻ của người dân trên cơ sở thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử nhằm mục đích phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; nền tảng hồ sơ sức khoẻ điện tử là thành phần cốt lõi để triển khai các nền tảng số y tế khác góp phần thúc đẩy CĐS ngành y tế.

Đến nay, việc CĐS y tế bước đầu đã đạt được các kết quả tích cực về chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số và an toàn, an ninh mạng.

Chia sẻ nền tảng chuyển đổi số

Chia sẻ nền tảng chuyển đổi số

Trong thời gian qua, ngành y tế Tiền Giang đã triển khai thực hiện các nội dung của đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là đề án 06) liên quan đến lĩnh vực khám chữa bệnh như triển khai thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân có gắn chíp; liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe; liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử lên cổng giám định BHYT. Qua thời gian triển khai thực hiện đề án 06 đã góp phần giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục khám, chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ, tiến tới khám, chữa bệnh không dùng hồ sơ bệnh án truyền thống mà dùng bệnh án điện tử.

Tuy nhiên, ngành còn có một số khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết như nhiều đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và CĐS y tế; nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT tại các đơn vị còn thiếu và yếu do thiếu cơ chế tài chính, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số y tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ông Nguyễn Thành Diệu tặng hoa cho đại biểu chia sẻ kinh nghiệm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ông Nguyễn Thành Diệu tặng hoa cho đại biểu chia sẻ kinh nghiệm

Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:

Tập trung triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trong công tác chăm sóc sức khỏe.

Xây dựng kế hoạch CĐS tổng thể, toàn diện, bám sát các văn bản hướng dẫn, các chương trình, đề án của Bộ Y tế, của tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Tăng cường truyền thông về lợi ích của CĐS y tế để các cơ quan, đơn vị để người dân hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của CĐS y tế. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ CCCD gắn chíp khi khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế.

Chia sẻ kinh nghiệm CĐS tại hội thảo, TS.BS Trần Phước Hồng - Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa khu vực (ĐKKV) tỉnh An Giang cho biết, bệnh viện ĐKKV tỉnh An Giang triển khai bệnh án điện tử đã giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân, 7/2020 xây bệnh viện công lập đầu tiên triển khai hệ thống điện tử, thực hiện X-quang, CT, M-ray, có hệ thống đăng ký khám bệnh tự động quét căn cước công dân; nhân viên y tế sử dụng ipad để tích hợp hồ sơ bệnh án. Lợi ích hệ thống PACS, xem trực tiếp trên điện thoại, giải phóng lưu trữ hồ sơ, bác sĩ tự thực hiện y lệnh theo quy trình trên bệnh án điện tử, sử dụng vân tay bác sĩ thay mật khẩu cấp II, chữ ký điện tử. Giải pháp phát triển bệnh án điện tử, giải pháp robot thăm khám, quáy quét QR code để quét dấu vân tay bệnh nhân,…

Tuy nhiên, vẫn gặp phải một số khó khăn như hệ thống máy chủ nhanh xuống cấp do phần mềm quá tải; lưu trữ tài liệu phải cập nhật trên điện thoại, kinh phí thực hiện chưa có chủ trương, khó tạo gói đấu thầu,…

Về CĐS trong quản trị y tế cho các sở y tế, giải pháp hồ sơ sức khỏe điện tử: Gom hồ sơ sức khỏe của người dân khám bệnh trên các cơ sở y tế, đồng bộ về Bộ Y tế. Quản lý thông tin cá nhân, thông tin tiền sử, y tế dự phòng, thông tin khám chữa bệnh. Lấy người bệnh làm trung tâm, được tư vấn từ xa, thông báo hướng dẫn khi đến khám qua app vnCARE.

Ý kiến đại biểu tại hội nghị

Ý kiến đại biểu tại hội nghị

Công ty Dũng Phát cũng cho biết, định hướng việc chuyển đổi số trong công tác khám chữa bệnh, phòng bệnh tại các cơ sở y tế bằng hệ thống PACS-RIS. Kết quả hình ảnh chụp, chiếu thông qua kiểm duyệt của cơ quan Bộ Y tế hoặc đạt các chuẩn quốc tế như FDA, CE,… Hồ sơ bệnh án điện tử (ERM) nên được lưu trữ dưới dạng số hóa. Mô hình chuẩn trung tâm dữ liệu quản lý hình ảnh, tiết kiệm chi phí.

Theo BS.CK II Bùi Quốc Dũng - Phó Giám đốc Sở Y tế Long An, ngành y tế tỉnh Long An đang gặp các vướng mắc về liên thông dữ liệu giữa ngành bảo hiểm, quản lý hồ sơ của ngành Công an; quyết định 1313 về khám chữa bệnh của Bộ Y tế; khi khám bệnh bằng căn cước công dân; IMA có thể kết hợp với các module khác,…Qua hội nghị này ông mong muốn các ngành y tế cần tóm tắt các ý kiến để kiến nghị với Bộ Y tế.

Theo TS.BS Trần Quang Hiền – Giám đốc Sở Y tế An Giang chia sẻ, Tiền Giang có nhiều ứng dụng CĐS, Sở Y tế tỉnh cần chỉ đạo các bệnh viện sớm CĐS. Nhiều vấn đề đặt ra để bệnh án điện tử được thực hiện như kinh phí, tìm nhà đầu tư, tính kế thừa, liên kết của nền tảng.

Phát biểu chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Diệu - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Diệu - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tại hội nghị

Phát biểu tổng kết hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu cho biết, CĐS Tiền Giang hiện đang đứng thứ 23/63 tỉnh thành, ngành y tế tỉnh đứng thứ 4/13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ông đề nghị, Sở Y tế Tiền Giang cần có kế hoạch cụ thể cho từng đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ của ngành y tế đủ sức thẩm định, đề xuất, nghiên cứu xa hơn.

Các nền tảng, ứng dụng cần liên kết đạt chuẩn để không gây khó cho bệnh nhân; tiếp tục có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, công nghệ số làm tham mưu cho ngành trong CĐS; tham mưu, đề xuất giải pháp để UBND tỉnh có hỗ trợ; kết hợp nguồn lực của các nhà khoa học, chuyên gia của ngành, xã hội hóa để sớm thực hiện CĐS trong ngành y tế.

Bảo Bình – Xuân Uyên

comment Bình luận