Thừa Thiên Huế: Kiểm tra, hướng dẫn công tác xử lý vệ sinh môi trường sau mưa lũ

Trong những ngày qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra đợt lũ lớn, trên diện rộng. Nhằm kịp thời kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn công tác xử lý vệ sinh môi trường tại các cơ sở y tế sau lũ lụt, trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác xử lý vệ sinh môi trường tại thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền và Phú Lộc.
11:27 | 20/11/2023

Tại trung tâm y tế thị xã Hương Trà đã ban hành kế hoạch triển khai công tác phòng chống bão, lụt, giảm nhẹ thiên tai năm 2023, bao gồm các nội dung hoạt động chuẩn bị trước mùa mưa bão, khi lũ lụt xảy ra và sau lũ lụt. Hiện tại, trên địa bàn thị xã Hương Trà không có trường hợp tử vong sau lũ (1 trường hợp bị gãy tay), 1 trường hợp cấp cứu đã được xử lý an toàn, 2 trường hợp thai sản đang được theo dõi. Có 9 xã, phường, thị trấn, 25/38 trường học, 7/9 chợ còn ngập lụt chưa xử lý được vệ sinh môi trường. Về tình hình dịch bệnh, có 54 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 4 ca sốt xuất huyết chưa qua 14 ngày đã được xử lý. Số lượng viên Aquatab để xử lý nước được cấp đầy đủ, hiện tại còn 4.000 viên; số lượng Cloramin B 14,5kg đang còn tại các xã.

Đoàn kiểm tra làm việc tại trung tâm y tế thị xã Hương Trà

Đoàn kiểm tra làm việc tại trung tâm y tế thị xã Hương Trà

Trung tâm y tế huyện Phong Điền hiện có 69/137 thôn, 22/64 trường học, 11/20 chợ, 25/53 giếng nước, 2/16 trạm y tế (xã Phong Bình và Điền Lộc) còn bị ngập. Đã xử lý vệ sinh môi trường tại 2 trường học và 1 chợ (2 trường ở xã Phong Hiền và 1 chợ xã Phong Mỹ). Hiện tại các trạm y tế đang tiếp tục xử lý tại các điểm bị ngập mà nước đã rút. Về tình hình dịch, có 1 ca sốt xuất huyết tại xã Phong An, đang điều trị tại trung tâm y tế thị xã Hương Trà, trung tâm y tế đang điều tra và xử lý. Những thai phụ trên 36 tháng được chuyển lên tuyến trên (cưỡng chế 1 trường hợp tại Phong Chương). Cấp Chloramin B cho các trường bị ngập, số lượng Cloramin B còn là 210kg; hóa chất diệt muỗi là 10 lít.

Đoàn kiểm tra làm việc tại trung tâm y tế huyện Phong Điền

Đoàn kiểm tra làm việc tại trung tâm y tế huyện Phong Điền

Trung tâm y tế huyện Quảng Điền hiện có 4/11 trạm y tế; 71/95 thôn; 8.606/21.488 hộ; 31/50 trường học, 9/16 chợ, 841/2.560 giếng nước, 6.991/20.892 hố xí bị ngập. Số Cloramin B đã cấp cho các trạm y tế là 14kg, tồn lại ở trung tâm y tế là 100kg. Hiện tại, đa số các tuyến đường còn ngập, đi lại giữa các thôn còn khó khăn nên công tác xử lý môi trường còn nhiều hạn chế. Trước lũ ghi nhận 7 ca sốt xuất huyết chưa qua 14 ngày. Trung tâm y tế đã có kế hoạch phòng chống lụt bão, phân công cán bộ trực lụt bão, có phương án phối hợp với chính quyền địa phương xử lý môi trường sau nước lũ rút hết.

Tuyến đường bị ngập nước tại huyện Quảng Điền

Tuyến đường bị ngập nước tại huyện Quảng Điền

Tại xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc): Đã có kế hoạch phòng chống lụt bão, phân công cán bộ trực lụt bão, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý môi trường sau lũ lụt, nắm rõ các trường hợp bà mẹ mang thai có nguy cơ trên địa bàn. Xã có khoảng 300 hộ bị ngập lụt, không có dịch bệnh xảy ra, trạm y tế đã vận động 5 trường hợp bà mẹ mang thai di dời đến nơi an toàn, 100% hộ dân sử dụng nguồn nước sạch trong và sau lũ lụt. Đồng thời, vận động người dân tiến hành dọn dẹp vệ sinh sau lũ lụt, tuyên truyền bằng loa và vận động đoàn thanh niên dở bỏ các vật dụng chứa nước tránh bọ gậy, phun khử khuẩn ở một số điểm công cộng.

Phun khử khuẩn ở một số điểm công cộng tại xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc

Phun khử khuẩn ở một số điểm công cộng tại xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc

Đoàn kiểm tra đã đề nghị các đơn vị thực hiện đúng tinh thần nội dung công văn của trung tâm kiểm soát bệnh tật về hướng dẫn đảm bảo công tác nước sạch, vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ. Các đơn vị cần tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tại các khu vực bị ngập lụt sau khi nước rút. Đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống trong mùa mưa lũ. Tăng cường tổ chức các hoạt động giám sát và phòng chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh thường xảy ra mùa mưa lũ. Đảm bảo đầy đủ các điều kiện về phương tiện, nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại các địa phương bị ảnh hưởng của mưa lũ.

Lệ Minh - Quang Trung

comment Bình luận