Thay thế động vật hoang dã bằng dược liệu: Hướng đi bền vững trong Y học cổ truyền

Việc ứng dụng dược liệu từ thảo dược thay cho thành phần động vật hoang dã không chỉ giúp bảo tồn đa dạng sinh học mà còn là giải pháp điều trị hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường trong Y học cổ truyền.
20:59 | 12/04/2025
PGS.TS Nguyễn Phương Dung – Viện trưởng Viện Y Dược Việt (ngoài cùng bên phải) đang chia sẻ các giải pháp thay thế động vật hoang dã bằng dược liệu

PGS.TS Nguyễn Phương Dung – Viện trưởng Viện Y Dược Việt (ngoài cùng bên phải) đang chia sẻ các giải pháp thay thế động vật hoang dã bằng dược liệu

Ngày 12/4, chuỗi hội thảo “Y học cổ truyền và Bảo tồn động vật hoang dã – Hướng đi từ dược liệu thay thế” đã diễn ra tại TP.HCM. Chương trình do Mạng lưới Bảo vệ Động vật hoang dã trong Y học cổ truyền phối hợp cùng Viện Y Dược Việt tổ chức, với sự hỗ trợ của tổ chức phi lợi nhuận Choice.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Phương Dung – Viện trưởng Viện Y Dược Việt, cho biết, từ lâu, các bộ phận từ động vật hoang dã đã được sử dụng trong nhiều bài thuốc cổ truyền. Tuy nhiên, nhu cầu ngày càng tăng đang đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh từ động vật sang người.

“Việc thúc đẩy các giải pháp thay thế bền vững là cần thiết và cấp bách. Dược liệu từ thảo dược có giá thành thấp, dễ tiếp cận và thân thiện môi trường, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị”, bà Dung nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Thầy thuốc Ưu tú, BS.CKI Đặng Thị Phương Thảo cho rằng, Tân phương Đông y – sự kết hợp giữa lý luận Y học cổ truyền và cơ chế tác động của hoạt chất thảo dược – chính là bước tiến quan trọng trong lộ trình thay thế. Các sản phẩm từ dược liệu này không chỉ đạt hiệu quả điều trị mà còn phù hợp với xu hướng y học hiện đại: an toàn, bền vững và không gây tổn hại đến thiên nhiên.

ThS.KS Lê Ngọc Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm TP. Huế trình bày về chủ đề Nguy cơ dịch bệnh và vi phạm pháp luật khi tiêu thụ động vật hoang dã trái phép tại buổi hội thảo

ThS.KS Lê Ngọc Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm TP. Huế trình bày về chủ đề Nguy cơ dịch bệnh và vi phạm pháp luật khi tiêu thụ động vật hoang dã trái phép tại buổi hội thảo

Ở góc nhìn pháp lý và môi trường, ThS.KS Lê Ngọc Tuấn cảnh báo việc tiêu thụ động vật hoang dã là hành vi vi phạm pháp luật và gây nguy hiểm cho cộng đồng. “Các loài hoang dã có thể mang mầm bệnh nguy hiểm, đe dọa hệ sinh thái và sức khỏe con người. Cần có biện pháp mạnh mẽ để chấm dứt hành vi này”, ông nhấn mạnh.

Hội thảo không chỉ là nơi chia sẻ tri thức chuyên môn mà còn tạo cầu nối giữa các chuyên gia y học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và tổ chức bảo tồn, hướng đến một nền Y học cổ truyền phát triển hài hòa với thiên nhiên.

Mạng lưới Bảo vệ Động vật hoang dã trong Y học cổ truyền được thành lập năm 2022 bởi các chuyên gia đầu ngành quốc tế như TS.BS Yemeng Chen (Chủ tịch Cao đẳng Y học cổ truyền New York), GS.TS Lixing Lao (Chủ tịch Đại học Y học Tổng hợp Virginia), và bà Lixin Huang (nguyên Chủ tịch Cao đẳng Y học cổ truyền Hoa Kỳ). Mạng lưới hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy nền y học thân thiện với môi trường.

Cao Ánh

comment Bình luận