Tăng cường triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Gia Lai

UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Công văn 2242/UBND-NL về tăng cường triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh.
9:07 | 03/10/2024

Tại tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh DTLCP xảy ra tại 8 thôn, làng của 7 xã, phường thuộc các huyện: Mang Yang, Đức Cơ, Ia Pa, thị xã Ayun Pa và TP. Pleiku, làm 199 con lợn mắc bệnh/14 hộ buộc tiêu hủy, hiện còn 2 ổ bệnh chưa qua 21 ngày. Trong thời gian đến, nguy cơ bệnh DTLCP tái bùng phát, lan rộng trên địa bàn tỉnh là tương đối cao.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung và bệnh DTLCP nói riêng trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 16/6/2024, Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 1787/UBND-NL ngày 22/7/2024 về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình bệnh DTLCP trong nước, các nước trong khu vực (đặc biệt là các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia có đường biên giới giáp với tỉnh Gia Lai) và trên địa bàn tỉnh, kịp thời thông báo tới các địa phương trong tỉnh biết và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời các nội dung có liên quan thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác phòng, chống bệnh DTLCP, quản lý, bố trí địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, chăn nuôi lợn theo quy định đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, phòng, chống bệnh DTLCP. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên động vật kể cả trên động vật hoang dã đề ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để thông tin kịp thời đến chính quyền và người dân về tình hình, diễn biến của bệnh DTLCP, đồng thời tuyên truyền cho người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

Tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi (Nguồn: Báo Gia Lai)

Tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi (Nguồn: Báo Gia Lai)

Công an tỉnh bố trí lực lượng phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y trực 24/24 giờ tại các Trạm Kiểm dịch động vật; phối hợp với các cơ quan liên quan đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trái phép ra, vào tỉnh nhất là trên tuyến Quốc lộ 14, tỉnh lộ 668, dọc tuyến biên giới và các cửa ngõ mà tỉnh chưa có trạm kiểm dịch động vật.

Cục Quản lý Thị trường tỉnh phối hợp với lực lượng thú y, công an đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu lợn, sản phẩm từ lợn trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở, kiên quyết không cho phép buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, chưa qua kiểm dịch qua biên giới; tuyên truyền cho Nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc nhập lậu lợn, sản phẩm từ lợn trái phép để cùng tham gia đấu tranh, chống buôn lậu lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới.

Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí nguồn lực (tài lực, nhân lực, vật lực) để nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh DTLCP tại địa phương đảm bảo đầy đủ, hiệu quả. Xây dựng phương án ứng phó, ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh từ bên ngoài vào địa bàn quản lý và lây lan từ ổ dịch tại địa phương; khoanh vùng dịch, tăng cường công tác tiêu độc khử trùng, kiểm soát hoạt động vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra khỏi ổ dịch.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi tại địa phương, kịp thời phát hiện các ổ bệnh phát sinh, xử lý dứt điểm không để lây lan; chủ động nghiên cứu, có kế hoạch xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật. Tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn, kiểm tra việc thực hiện các quy định phòng bệnh DTLCP tại các cơ sở chăn nuôi; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, xây dựng thành cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; trên cơ sở tình hình dịch bệnh tại địa phương, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu việc sử dụng vắc xin DTLCP theo hướng dẫn của Bộ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tại văn bản số 4870/BNN-TY ngày 24/7/2023, đảm bảo theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin, an toàn, hiệu quả trong chăn nuôi. Đối với các địa phương có đường biên giới giáp Campuchia (Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai) tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn vào Việt Nam qua đường biên giới với Campuchia, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Hoàng Thảo

comment Bình luận