Tăng cường các giải pháp phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay, bệnh không lây nhiễm là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, là nguyên nhân gây tử vong nhiều hơn tất cả các nguyên nhân khác cộng lại.
14:46 | 14/06/2024

Theo WHO bệnh không lây nhiễm làm cho 41 triệu (71%) trong số 57 triệu người tử vong trên thế giới trong năm 2016. Gần 3/4 số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm. Bốn bệnh không lây nhiễm lớn (bệnh tim mạch, ung thư, các bệnh về đường hô hấp mãn tính và bệnh tiểu đường) chịu trách nhiệm cho 82% các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm. WHO tiếp tục lưu ý rằng, trong giai đoạn 2011 - 2025, thiệt hại kinh tế tích lũy do bệnh không lây nhiễm ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình ước tính khoảng 7.000 tỷ USD. Hơn 11,2 tỷ USD chi phí hàng năm để thực hiện một loạt các can thiệp tác động cao để giảm gánh nặng bệnh không lây nhiễm.

Theo điều tra mới nhất của Bộ Y tế, Việt Nam có hơn 540.000 ca tử vong, trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 77%, cứ 10 người chết thì có gần 8 người chết do các bệnh không lây nhiễm. 44% ca tử vong do bệnh không lây nhiễm là trước 70 tuổi. Gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm 70% tổng gánh nặng bệnh tật. Con số này sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có giải pháp can thiệp hiệu quả.

BS.CKII Nguyễn Minh Khái - Trưởng Khoa Nội, Trung tâm Y tế huyện U Minh cho biết, thời gian gần đây số bệnh nhân nhập viện do các bệnh không lây gia tăng, đặc biệt là các trường hợp về tim mạch. Công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 100%. Đa số trường hợp đến viện đều trong tình trạng nặng, phải nhập viện cấp cứu. Số bệnh nhân nhập viện nhiều ở độ tuổi từ 50 tuổi trở lên. Hầu hết các bệnh nhân này không được tầm soát bệnh, cũng như không kiểm tra sức khỏe định kỳ, khi xuất hiện các triệu chứng nặng của bệnh mới đến bệnh viện và trong tình trạng phải cấp cứu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, tuy nhiên có thể xem điều kiện kinh tế còn khó khăn, đặc biệt là vùng nông thôn là một trong những nguyên nhân rất đáng lưu ý. Ở khu vực này, người dân thường tập trung vào lao động, sản xuất chưa chủ động hoặc chưa có điều kiện quan tâm nhiều đến sức khỏe. Mặc dù có các dấu hiệu cảnh báo của bệnh như: thường xuyên đau đầu, chóng mặt hoặc có những cơ đau tim thoáng qua… nhưng họ chưa quan tâm, khi các triệu chứng nặng hơn và sức chịu đựng của cơ thể không còn khả năng thì mới đến bệnh viện”, bác sĩ Khái cho biết thêm.

Hiện nay, các chính sách y tế của nhà nước cũng đã quan tâm nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe cho người dân như các chính sách về bảo hiểm y tế miễn phí cho một số đối tượng, các đề án về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… Bên cạnh đó, y tế cơ sở có đủ điều kiện để quản lý và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân nói chung và các bệnh không lây nói riêng. Ở một số địa phương, tùy theo tình hình thực tế cũng đã có những giải pháp giúp người dân được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Khái, hiện nay các bệnh không lây nhiễm được đưa vào quản lý tại trạm y tế, người dân có thể đến trạm để theo dõi sức khỏe định kỳ. Để quản lý tốt các bệnh không lây nhiễm cũng như giúp người bệnh được chăm sóc sức khỏe, trên địa bàn huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, có 4 xã đã tổ chức được hoạt động khám bệnh tại nhà cho người bệnh cao tuổi, người có hoàn cảnh đặc biệt khi không trực tiếp đến trạm y tế để khám bệnh được. Đây cũng là cách làm hay cần được nhân rộng trên toàn huyện.

Các bệnh không lây nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước do số người mắc bệnh nhiều, bệnh gây tàn tật và tử vong cao. Tăng cường hiệu quả các giải pháp phòng, chống các bệnh không lây nhiễm sẽ hạn chế số người mắc bệnh này trong cộng đồng, ngăn chặn tàn tật, tử vong sớm và giảm quá tải tại các bệnh viện.

Lê Kim

comment Bình luận