Phục hồi đôi chân cho người phụ nữ bị liệt do xẹp đốt sống

Một phụ nữ 65 tuổi bị xẹp cột sống nặng gây tê liệt chân đã được các bác sĩ Khoa Sọ Não Cột Sống 1, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á phẫu thuật thành công, giúp phục hồi vận động.
17:48 | 20/03/2025

Bảy tháng trước, bà N.T.I (65 tuổi, ngụ tỉnh Long An) bắt đầu xuất hiện cơn đau nhức chân phải, đau tăng khi khom lưng hoặc cúi xuống. Gia đình đã đưa bà đi khám và điều trị bằng thuốc, kết hợp vật lý trị liệu tại một trung tâm gần nhà, nhưng tình trạng không cải thiện. Cơn đau ngày càng nặng, gây tê bì hai chân và dần khiến bà không thể đi lại, sinh hoạt cá nhân phải nhờ sự trợ giúp của người thân. Hai ngày trước khi nhập viện, chân phải của bà gần như liệt hoàn toàn, không thể cử động.

Nhận thấy tình trạng nghiêm trọng, gia đình đã đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á để thăm khám và điều trị.

Ekip phẫu thuật cố định cột sống bằng vít rỗng kết hợp bơm xi măng và mở ống sống để giải áp tủy (Ảnh: BVCC)

Ekip phẫu thuật cố định cột sống bằng vít rỗng kết hợp bơm xi măng và mở ống sống để giải áp tủy (Ảnh: BVCC)

Tại Khoa Sọ Não Cột Sống 1, sau khi thăm khám và chụp MRI, bác sĩ xác định bà I. bị xẹp đốt sống D11, phù tủy xương, chèn ép gần như hoàn toàn vào ống tủy. Ngoài ra, đốt L2 cũng bị xẹp, gây chèn ép ống sống. Đoạn bản lề cột sống từ D11 - D12 - L1 - L2 mất vững hoàn toàn. Khi nhập viện, sức cơ của bệnh nhân chỉ còn 1/5, gần như liệt hoàn toàn. Bác sĩ chẩn đoán bà bị xẹp cột sống trên nền bệnh lý loãng xương.

Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật cố định cột sống bằng vít rỗng chuyên dụng cho bệnh nhân loãng xương, kết hợp bơm xi măng và mở ống sống để giải áp tủy.

BS.CKII Trương Thái Dương, Trưởng Khoa Sọ Não Cột Sống 1, chia sẻ: “Trong quá trình phẫu thuật, ekip đã thao tác cẩn thận, tỉ mỉ để tách toàn bộ khối xương và dây chằng chèn ép ống tủy một cách nhẹ nhàng, nhằm tránh tổn thương tủy thứ phát. Đây là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của ca phẫu thuật. Sau mổ, bệnh nhân cần thời gian tập phục hồi chức năng để tránh chèn ép thần kinh và các biến chứng do nằm lâu”.

Bác sĩ thăm khám lại cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ thăm khám lại cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Sau 10 ngày điều trị, sức cơ của bà I. phục hồi đáng kể, từ 1/5 lên 4/5. Các triệu chứng chèn ép thần kinh như tê bì, đau nhức cũng giảm rõ rệt.

Theo BS Dương, xẹp cột sống là hậu quả thường gặp của loãng xương ở người cao tuổi, gây đau lưng, tê bì và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Để phòng ngừa, người dân nên tầm soát loãng xương định kỳ, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh. Ngoài ra, cần duy trì thói quen tập thể dục như đi bộ, bơi lội và cẩn thận trong sinh hoạt hàng ngày để tránh té ngã, trượt chân.

Cao Ánh

comment Bình luận