Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cho trẻ trong mùa nắng nóng

Nhiệt độ cao điều kiện cho vi khuẩn, vi rút có hại phát triển, làm thực phẩm dễ bị ôi, thiu và tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thâm chí đến tính mạng. Đặc biệt, trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị ngộ độc thực phẩm nhất, nếu nhà trường, phụ huynh không cẩn thận cho trẻ dùng thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
8:43 | 05/05/2024

Theo BS.CKII Trần Thiên Lý - Trưởng phòng Quản lí chất lượng Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Cà Mau cho biết: “Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm chủ yếu tập trung ở đường tiêu hóa. Khi bị ngộ độc thực phẩm, trẻ thường buồn nôn, đau bụng từng cơn hoặc liên tục. Một số trẻ sẽ có triệu chứng tiêu chảy. Mức độ của các triệu chứng đường tiêu hoá nhiều hay ít là do độc tố mà cơ thể trẻ tiếp xúc và do phản ứng của cơ thể trẻ. Trường hợp trẻ nôn ói nhiều, tiêu chảy nhiều sẽ dẫn đến cơ thể bị mất nước, mất điện giải, thậm chí sốc do giảm thể tích tuần hoàn, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong. Ngoài triệu chứng về đường tiêu hoá còn có những triệu chứng do tác nhân và nguyên nhân gây ra. Nếu tác nhân gây ra ngộ độc là hoá chất, những chất bảo quản thực phẩm thì triệu chứng thường gặp sẽ liên quan đến hệ thần kinh như nhức đầu, chóng mặt, đau cơ”.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho trẻ em vào mùa nắng nóng, các bậc phụ huynh cần chú ý lựa chọn những thực phẩm tươi, ngon, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đối với trẻ ở lứa tuổi mầm non, môi trường sinh hoạt và chế độ ăn uống tại trường phải được kiểm soát chặt chẽ. Gian bếp cần được thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, chén bát của trẻ cũng phải được khử khuẩn liên tục. Ngoài ra, đầu vào của thực phẩm cần phải được mua ở những cơ sở, đơn vị có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vệ sinh tay sạch sẽ để hạn chế vi khuẩn có hại phát triển

Vệ sinh tay sạch sẽ để hạn chế vi khuẩn có hại phát triển

Để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm cho trẻ trong mùa nắng nóng, các bậc phụ huynh cũng cần trang bị những kiến thức chăm sóc sức khỏe, nhằm tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho con trẻ theo khuyến cáo của các cơ quan y tế. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần phối hợp với nhà trường trong việc hạn chế mua quà vặt, thức uống không rõ nguồn gốc thường được bày bán ở lề đường hay ở khu vực xung quanh trường học.

BS.CKII Trần Thiên Lý khuyến cáo: “Đối với trẻ nhỏ, cơ thể dễ nhiễm bệnh. Vì thế, ngoài những biện pháp phòng ngừa bệnh chung, các bậc phu huynh nên tập cho trẻ có thói quen ăn sạch, uống sạch, nhất là trong mùa nắng nóng. Uống nước chín để nguội hoặc uống nước có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, được bảo quản cẩn thận. Hạn chế sử dụng thực phẩm trữ đông quá lâu; tránh ăn, uống những thực phẩm được bày bán ở lề đường, quán ăn mà không chắc rằng có bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần lưu ý cho trẻ ăn, uống đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, sống trong môi trường thông thoáng, sạch sẽ để tạo cho trẻ trạng thái thoải mái về tinh thần. Từ đó, giúp trẻ tăng sức đề kháng và ít bị bệnh hơn”.

Để chủ động đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024, diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 15/5.

Mỹ Trân

comment Bình luận