Phòng, chống ngộ độc do độc tố tự nhiên

Trong thời gian qua, trên phạm vi cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm. Trong đó, có những trường hợp ngộ độc do sử dụng những loại động vật hoặc thực vật có chứa độc tố làm thức ăn như: Một số loại lá, rễ và quả cây rừng; nấm hoang dại; các loại hạt bị mốc; khoai tây mọc mầm; cá nóc, cóc; một số loại côn trùng…
10:38 | 05/07/2024

Tùy loại thức ăn và lượng tiêu thụ cũng như cách chế biến mà người ăn có thể bị ngộ độc và biểu hiện với các mức độ khác nhau như: Buồn nôn, nôn, rối loạn cảm giác, vận động, co giật, hôn mê hoặc mạch nhanh, tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, tím tái, khó thở, ngừng thở. Ngộ độc do các độc tố tự nhiên rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong. Vì vậy, để phòng, chống ngộ độc do các độc tố tự nhiên, mọi người dân hãy:

Không nên ăn các loại rau, củ, quả rừng lạ, chưa biết rõ nguồn gốc; chỉ sử dụng nấm khi biết chắc chắn nấm ăn được; tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại. Không được ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ.

Để tránh ngộ độc khoai tây, không nên mua hoặc chế biến làm thức ăn từ những củ khoai đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phơi, sấy khô, bảo quản tốt các loại hạt, tránh để hạt bị ẩm mốc; không ăn hạt đậu, lạc đã bị mốc, thâm đen.

Cóc thường được dùng làm thực phẩm bồi dưỡng cho người già và trẻ em, nhưng nhựa cóc, gan, mật cóc có độc tố rất mạnh; vì vậy, ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên tốt nhất và an toàn nhất là không nên ăn cóc và các sản phẩm chế biến từ cóc.

Không nên ăn cá nóc dưới bất kỳ hình thức chế biến nào kể cả khi đã đun chín, phơi khô, sấy, làm mắm…

Không nên bắt các loại côn trùng dùng làm thức ăn (như nhộng ve sầu).

Tuyệt đối không sử dụng các loại cây, củ, con vật lạ để ngâm rượu…

Ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên có thể gây tử vong nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, khi có các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn, uống thực phẩm nghi có độc tố tự nhiên, người dân cần phải xử lý gây nôn cho người bị ngộ độc và nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Trường hợp có nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm, cần thông báo đến cơ sở y tế gần nhất hoặc chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc để có biện pháp can thiệp dự phòng, kịp thời ngăn chặn ngộ độc tiếp diễn.

“Để đảm bảo sức khỏe, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, cần chủ động lựa chọn những thực phẩm an toàn và hãy thận trọng hơn trong việc sử dụng các thực phẩm từ tự nhiên”.

Lê Thị Thương

comment Bình luận