Phòng bệnh viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là tình trạng da phản ứng khi tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng hay dị ứng như hóa chất, kim loại, côn trùng,... Người bệnh viêm da tiếp xúc sẽ bị mẩn ngứa, đau rát, nứt nẻ phần da tiếp xúc với chất gây kích ứng, dị ứng.
8:54 | 24/12/2023

Có hai dạng viêm da tiếp xúc là dị ứng và kích ứng. Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra khi da tiếp xúc với một chất gây ra phản ứng tự miễn dịch ngắn hạn, dẫn đến phản ứng da thường là từ 12 - 72 giờ sau khi tiếp xúc. Da có thể bị dị ứng với một chất sau nhiều lần tiếp xúc hoặc sau chỉ một lần tiếp xúc. Các triệu chứng của viêm da tiếp xúc dị ứng bao gồm đỏ da, da khô từng mảng, có vảy, mụn nước, nóng rát hoặc ngứa, sưng ở mắt, mặt và bộ phận sinh dục, nhạy cảm với ánh nắng mặt trời và da sẫm màu, sần sùi, nứt nẻ. Còn viêm da kích ứng xảy ra khi da tiếp xúc nhiều lần với chất kích ứng nhẹ trong thời gian dài hoặc tiếp xúc với chất kích ứng mạnh. Các triệu chứng của viêm da bao gồm sưng nhẹ, da khô, nứt nẻ, rộp, loét,..

Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 1,5 – 5,4% người mắc viêm da tiếp xúc. Tại Việt Nam có 17 - 20% dân số mắc bệnh này. Tại Đắk Lắk, ở phòng khám da liễu, bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, bình quân mỗi ngày có khoảng 20 người đến khám bệnh về da, trong đó tỷ lệ mắc bệnh viêm da tiếp xúc chiếm 5%. Đa số bệnh nhân đến khám trong tình trạng ngứa, rát, nổi bọng nước, có trường hợp nổi mề đay từng mảng nhỏ li ti.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

BS.CKI Đỗ Thị Huế – Khoa khám da liễu, bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, viêm da tiếp xúc hay gặp ở người có cơ địa nhạy cảm, sức đề kháng yếu hoặc do nghề nghiệp thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất như thợ sơn, nhân viên vệ sinh, thợ mỏ than, thợ hàn xì. Người dị ứng với các hóa chất có trong các loại mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da hoặc các sản phẩm tẩy rửa như sữa tắm, bột giặt, nước xả vải, nước hoa, sữa dưỡng thể,… Không tự ý dùng thuốc khi chưa được bác sĩ thăm khám, tuân thủ điều trị chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ; không tự ý tăng, giảm hoặc ngừng dùng thuốc; khi dùng thuốc nếu có bất kỳ triệu chứng gì khác thường cần báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn xử trí kịp thời; nếu được điều trị thích hợp, các triệu chứng viêm da tiếp xúc có thể sẽ hết trong vòng 2 đến 3 tuần nhưng bệnh nhân sẽ thấy giảm ngứa ngay sau khi bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, cách tốt nhất để điều trị dứt điểm viêm da tiếp xúc là xác định và loại bỏ bất kỳ tác nhân gây bệnh tiềm ẩn nào, nếu không có nguy cơ bị viêm da mạn tính hoặc tái phát.

Để phòng bệnh viêm da tiếp xúc, BS.CKI Đỗ Thị Huế khuyến cáo thêm, bệnh nhân cần tránh xa các chất gây dị ứng như xà phòng, kem dưỡng, bột giặt, luôn mặc quần áo bảo hộ và găng tay khi tiếp xúc nhiều với các chất độc hại.  Bổ sung dưỡng ẩm cho da ít nhất 2 lần mỗi ngày, đặc biệt là vào lúc thời tiết hanh khô. Khi tắm, không nên tắm nước quá nóng hoặc tắm quá lâu. Khi sử dụng sản phẩm chăm sóc da mới, nên thử trên da ở cổ tay, theo dõi trong 24 giờ xem da có kích ứng hay không thì mới tiếp tục sử dụng. Uống đủ nước, khoảng 2-  3 lít nước mỗi ngày để tránh da bị khô. Thường xuyên vệ sinh, lau dọn nhà cửa để giảm bớt bụi bẩn, lông thú, phấn hoa và không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc sẽ giúp bảo vệ làn da nhạy cảm của mình tốt hơn. Dinh dưỡng đầy đủ, thể thao, giữ tinh thần thoải mái cũng là cách giúp giảm nguy cơ mắc phải căn bệnh này.

Kim Oanh

 
comment Bình luận