Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ rối loạn lan tỏa phổ tự kỷ ở tuổi mầm non

Sáng ngày 9/11/2023, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) trực thuộc Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) tổ chức Hội thảo khoa học "Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ rối loạn lan tỏa phổ tự kỷ ở tuổi mầm non".
21:07 | 09/11/2023

Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Hồng Quân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (GDCSSKCĐ), cùng các Phó Chủ tịch: NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện IPD, Ủy viên thường vụ Hiệp hội VAEFA; PGS.TS. Nguyễn Thị Chính; Ông Vũ Việt Anh. Đại tá Tạ Quang Vinh, Tổng Thư ký Trung ương Hội. 

Tại Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Viện nghiên cứu giáo dục; Trung tâm can thiệp; Trung tâm giáo dục đặc biệt; Các giáo viên mầm non;...

Lãnh đạo Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cùng lãnh đạo Viện IPD, Hiệp hội VAEFA tham dự Hội thảo

Lãnh đạo Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cùng lãnh đạo Viện IPD, Hiệp hội VAEFA tham dự Hội thảo

Hội thảo khoa học "Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ rối loạn lan tỏa phổ tự kỷ ở tuổi mầm non" được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức của giáo viên và cha mẹ trong việc phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ tự kỷ ở tuổi mầm non nhằm giảm thiểu tổn thương về thể chất, tinh thần cho trẻ trong quá trình phát triển; Tăng cường hợp tác giữa trường mầm non và các cơ sở can thiệp để phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ tự kỷ có hiệu quả; Chia sẻ các bài học kinh nghiệm, các khó khăn thách thức trong phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm với trẻ mầm non có rối loạn lan tỏa phổ tự kỷ và xây dựng các khuyến nghị để đảm bảo chất lượng và bình đẳng trong giáo dục đối với trẻ tự kỷ.

GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) phát biểu khai mạc Hội thảo

GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) chia sẻ: "Hội thảo là một cơ hội quan trọng để chúng ta chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực phát hiện sớm và can thiệp giáo dục sớm cho trẻ tự kỷ. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà mức độ nhận thức về tự kỷ đang gia tăng và tạo nên áp lực không nhỏ đối với hệ thống giáo dục và xã hội. Trong bối cảnh này, việc phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ đóng một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta đã thấy những tiến bộ đáng kể trong việc nâng cao nhận thức về tự kỷ và phát hiện sớm, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. Một trong những thách thức lớn nhất là đảm bảo rằng mọi trẻ em có thể được phát hiện sớm và có cơ hội được can thiệp sớm, bất kể vùng miền, tình trạng kinh tế hay nguồn lực".

Do đó, GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến cho rằng, "qua Hội thảo, sẽ cung cấp cho chúng ta cơ hội để thảo luận về những cách tiếp cận tốt nhất cho việc phát hiện sớm và can thiệp sớm. Chúng ta chia sẻ nghiên cứu, thực hành và cùng nhau tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để đáp ứng những thách thức này. Chúng ta cần làm việc cùng nhau, không chỉ trong phạm vi hội thảo này mà còn trong tương lai để tạo ra một môi trường hỗ trợ và đảm bảo rằng mọi trẻ em có thể phát triển toàn diện và tận hưởng cuộc sống hạnh phúc, có ý nghĩa".

NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện IPD, Ủy viên thường vụ Hiệp hội VAEFA phát biểu đề dẫn Hội thảo

NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện IPD, Ủy viên thường vụ Hiệp hội VAEFA phát biểu đề dẫn Hội thảo

Theo NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện IPD, Ủy viên thường vụ Hiệp hội VAEFA, đặc trưng của người có rối loạn phổ tự kỷ bao gồm khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, cùng với những hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại. Với một trẻ tự kỷ, sinh hoạt quy định hằng ngày có thể không được thực hiện. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn chưa tìm được nguyên nhân xác thực vì sao một đứa bé sinh ra hoàn toàn bình thường, tay chân lành lặn lại mắc rối loạn phổ tự kỷ.

Rối loạn lan tỏa phổ tự kỷ đang có tỷ lệ mắc ngày càng cao trên thế giới. Những nghiên cứu ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ chỉ ra tỷ lệ người mắc rối loạn phổ tự kỷ có tỷ lệ trung bình là 1% dân số. Tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng người mắc chứng tự kỷ ở trong nước. Theo thống kê của ngành giáo dục Hà Nội, tự kỷ là khuyết tật có tỷ lệ cao nhất ở trường học, chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường, nhưng con số đó chưa nói lên hết thực trạng, vì còn rất nhiều trẻ tự kỷ không thể đến trường.

Trong thời gian qua, một số cơ sở giáo dục mầm non đã đón nhận các trẻ tự kỷ vào học hòa nhập và một số trung tâm hỗ trợ can thiệp trẻ tự kỷ đã ra đời. Trong đó, có các đơn vị là thành viên của Hiệp hội Vì Giáo dục cho mọi người VN (VAEFA) và của Viện nghên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD). Trong quá trình giáo dục trẻ tự kỷ, các chuyên gia, giáo viên ở các cơ sở này cũng đã phát hiện thấy trẻ tự kỷ giảm thiểu những khiếm khuyết trong quá trình phát triển thì người lớn chúng ta phải làm gì?

Do đó, qua Hội thảo này, NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh hy vọng rằng, mỗi người sẽ hiểu sâu hơn về nguyên nhân và tìm ra câu trả lời về vấn đề rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ nhỏ, cũng như có phương pháp hữu ích giúp trẻ có thể tự tin hòa nhập với cộng đồng và xã hội.

Thạc sĩ Bùi Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường mầm non VSK Thăng Long chia sẻ tại Hội thảo

Thạc sĩ Bùi Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường mầm non VSK Thăng Long chia sẻ tại Hội thảo

Thạc sĩ Bùi Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường mầm non VSK Thăng Long, cơ sở thực hành giáo dục sớm của Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) cho biết: Trẻ em tự kỷ sau khi được phát hiện hoặc chưa được phát hiện, nhưng nếu được tiếp cận với các phương pháp giáo dục sớm ở cơ sở giáo dục mầm non ngay từ dưới 2 - 3 tuổi, được học hòa nhập với trẻ bình thường sẽ giảm thiểu những tổn thương về tinh thần, trí tuệ cũng như thể chất. 

Cùng ý kiến trên, đại diện Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, trẻ có rối loạn phát triển (RLPT) độ tuổi mầm non gặp đa dạng khó khăn ở các lĩnh vực phát triển khác nhau. Việc hỗ trợ can thiệp sớm một cách tích cực giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực ngôn ngữ - giao tiếp nói riêng cho trẻ rối loạn phát triển và nêu chi tiết cách thức thiết lập và vận hành mô hình câu lạc bộ phát triển ngôn ngữ - giao tiếp cho trẻ có rối loạn phát triển trong trường mầm non hòa nhập.

Tuy nhiên, Theo một nghiên cứu của Trung tâm COHO – Tư vấn và Hỗ trợ người khuyết tật, thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, số lượng trẻ em tự kỷ ngày càng nhiều, nhu cầu được học hòa nhập của trẻ tự kỷ ngày một tăng cao, nhưng trường mầm non hoà nhập lại chưa phải là mô hình phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Giáo viên mầm non hiện nay chưa được trang bị các kiến thức, kỹ năng về giáo dục đặc biệt cũng như hỗ trợ, giáo dục cho trẻ tự kỷ. Các cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ chỉ mới kết nối, hợp tác được với một số trường mầm non tư thục, chưa kết nối được với trường mầm non công lập để cùng phối hợp.

Các phương pháp giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ được hòa nhập

Từ thực trạng về nhu cầu học tập của trẻ rối loạn phổ tự kỷ tăng cao, Trung tâm COHO đề xuất: Cần tăng cường sự kết nối của các trường mầm non với các trung tâm can thiệp trẻ tự kỷ; Mở các lớp tập huấn cho giáo viên để nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng giáo dục đặc biệt đối với trẻ tự kỷ học hòa nhập trong các trường mầm non công lập và tư thục. Cần có văn bản pháp quy quy định việc thực hiện phối hợp giữa trường mầm non và các cơ sở can thiệp liên quan đến giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật nói chung và tự kỷ nói riêng.

Để nâng cao chất lượng can thiệp cũng như mở rộng mô hình câu lạc bộ cho trẻ tự kỷ, Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khuyến nghị: Cần tăng cường vai trò tự chủ của nhà trường mầm non hòa nhập đối với hoạt động thành lập và vận hành nhóm/lớp học/câu lạc bộ phát triển ngôn ngữ - giao tiếp cho trẻ có rối loạn phát triển theo học ở trường; tăng cường sự tham gia của phụ huynh đối với các hoạt động hỗ trợ của câu lạc bộ thông qua đa dạng các hình thức khác nhau; mở rộng mô hình câu lạc bộ phát triển ngôn ngữ - giao tiếp cho trẻ có rối loạn phát triển gặp khó khăn ở nhiều lĩnh vực phát triển khác nhau.

Đi sâu vào thời điểm vàng cho trẻ, Trung tâm Sao Mai cho biết: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh giai đoạn trước 3 tuổi là thời điểm đặc biệt quan trọng, là “Giai đoạn vàng” để các nhà can thiệp đưa ra những biện pháp tác động giúp trẻ tự kỷ phát triển tốt các kỹ năng và khắc phục, sửa chữa những khiếm khuyết để hòa nhập cộng đồng. Trung tâm Sao Mai cũng khuyến nghị, ở các trường mầm non dạy hòa nhập, giáo viên cần có kỹ năng tốt, hiểu biết rõ về trẻ để có ý tưởng sáng tạo, phù hợp trong quá trình thực hiện hoạt động. Các Trung tâm can thiệp cần có sự chia sẻ thường xuyên về cách vận dụng hoạt động giác quan xã hội trong việc phát triển các kỹ năng cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ ở lứa tuổi dưới 36 tháng. Nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện về chính sách để giáo viên mầm non được đào tạo các kỹ năng can thiệp giáo dục đặc biệt.

Quan tâm đến việc phát triển kĩ năng ngôn ngữ - giao tiếp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ thông qua các trò chơi giao tiếp bằng giác quan hàng ngày tại gia đình, Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Trẻ rối loạn phổ tự kỷ là một khuyết tật phổ biến trên toàn thế giới và cả Việt Nam. Trẻ rối loạn phổ tự kỷ có khiếm khuyết điển hình về ngôn ngữ và giao tiếp, nếu không được hỗ trợ phát triển ngôn ngữ - giao tiếp thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong học tập và cuộc sống. Do đó đã có rất nhiều các phương pháp, biện pháp, kĩ thuật khác nhau được nghiên cứu để giúp trẻ phát triển các kĩ năng này. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Hoạt động chơi là hoạt động chủ đạo của lứa tuổi mầm non, trẻ học tập thông qua chơi, trẻ sẽ được phát triển các kĩ năng ngôn ngữ, giao tiếp, tương tác xã hội một cách tự nhiên và dễ dàng. Trong bài viết, tác giả đã trình bày ứng dụng một quy trình ba bước thông qua việc sử dụng các trò chơi bằng giác quan hàng ngày để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ - giao tiếp một cách hiệu quả.

Bà Nguyễn Tuyết Hạnh, Chủ tịch CLB Gia đình người tự kỷ Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo

Bà Nguyễn Tuyết Hạnh, Chủ tịch CLB Gia đình người tự kỷ Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo

Khuyến nghị về nhận thức, thái độ và hành động cần thiết đối với các gia đình có người tự kỷ, bà Nguyễn Tuyết Hạnh, Chủ tịch CLB Gia đình người tự kỷ Hà Nội tâm sự: Để đồng hành cùng con gái là trẻ tự kỷ hơn 20 năm qua, bà đã không ngừng học hỏi hướng dẫn con các kỹ năng cần thiết và tham gia tích cực các cuộc hội thảo, tọa đàm, tham vấn chính sách... liên quan đến quyền lợi của người tự kỷ và quyền của người khuyết tật Việt Nam. Niềm hạnh phúc lớn của bà là cùng với sự giúp đỡ, dạy dỗ của các chuyên gia, thầy cô, và sự tận tình của bản thân, con bà đã tiến bộ và hiện tại đang là giáo viên hỗ trợ của một Trung tâm can thiệp giáo dục trẻ đặc biệt. Bà cho rằng tự kỷ không phải lỗi của cha mẹ, nhưng cha mẹ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nhận biết, chẩn đoán và can thiệp sớm cho trẻ có chứng tự kỷ, góp phần tạo ra nhiều điều kiện, cơ hội để trẻ từng bước hòa nhập tốt cuộc sống xã hội trong suốt cuộc đời.

Thu Trang

comment Bình luận