Những lưu ý đối với phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) ảnh hưởng đến khoảng 8-13% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Có tới 70% phụ nữ bị ảnh hưởng trên toàn thế giới vẫn chưa được chẩn đoán. PCOS gây nên nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài cho người phụ nữ, đáng lưu ý, PCOS là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh.
20:07 | 22/10/2024

Bác sĩ Nguyễn Thị Trang – Khoa Phụ Sản Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết: Hội chứng buồng trứng đa nang là một rối loạn nội tiết và chuyển hóa toàn thân, đặc trưng bởi một vài hoặc nhiều triệu chứng như rậm lông, mụn trứng cá, hói đầu ở phụ nữ trưởng thành, rối loạn kinh nguyệt và buồng trứng đa nang. Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng, có thể là do kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường sống. Sinh lý bệnh khá phức tạp, đến nay vẫn chưa được hiểu rõ.

Theo bác sĩ Trang, phụ nữ mắc PCOS có thể đi khám vì rối loạn kinh nguyệt (kinh thưa, vô kinh), hiếm muộn, rậm lông hoặc mụn trứng cá. Nếu chỉ tình cờ siêu âm thấy hình ảnh buồng trứng đa nang nhưng không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác như đã nêu trên thì nhiều khả năng bệnh nhân không mắc phải hội chứng này. Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm không đồng nghĩa với hội chứng buồng trứng đa nang.

Chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang thường dựa trên tiêu chuẩn Rotterdam, nghĩa là người bệnh phải có ít nhất 2 trong 3 triệu chứng sau: Cường Androgen: có triệu chứng rậm lông, mụn, hói đầu hoặc xét nghiệm Androgen máu tăng; rối loạn phóng noãn: triệu chứng rối loạn kinh nguyệt (kinh không đều, kinh thưa, vô kinh).

Nếu được chẩn đoán mắc hội chứng buồng trứng đa nang, người bệnh cần lưu ý giảm cân để đạt mức cân nặng lý tưởng. Nghiên cứu cho thấy, 2/3 phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang có cân nặng ở mức thừa cân hoặc béo phì. Các cơ chế liên quan đến mỡ thừa cũng góp phần vào sinh lý bệnh của hội chứng. Giảm ít nhất 5% cân nặng so với ban đầu ở những phụ nữ này cho thấy có cải thiện chức năng phóng noãn, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, ổn định nồng độ đường huyết, mỡ máu cũng như làm giảm nồng độ Androgen và giảm các triệu chứng do cường Androgen như rậm lông, mụn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) BMI lý tưởng cho người châu Á là từ 18.5 – 22.9 kg/m2. Thừa cân khi BMI từ 23-27.5 kg/m2 và béo phì khi BMI từ 27.5 kg/m2 trở lên. Bên cạnh đó, người mắc PCOS cần lập gia đình và có kế hoạch sinh con sớm vì phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang có thể gặp vấn đề hiếm muộn do rối loạn không phóng noãn. Người bệnh có thể cần sự hỗ trợ của các thuốc gây phóng noãn để tăng khả năng thụ thai. Điều này khá thuận lợi khi bệnh nhân trẻ tuổi với dự trữ buồng trứng tốt và không kèm theo yếu tố gây vô sinh khác. Ngược lại, nếu sinh con khi quá lớn tuổi, dự trữ buồng trứng sụt giảm là một yếu tố bất lợi quan trọng khi điều trị hiếm muộn. Khi đó chi phí điều trị sẽ cao hơn và khả năng thành công thấp hơn.

Ngoài ra, khi mắc PCOS, bệnh nhân cần theo dõi sức khỏe định kỳ để đánh giá nguy cơ mắc phải các rối loạn chuyển hóa. Cụ thể, rối loạn chuyển hóa đường (glucose) và mỡ máu (lipid) là hai rối loạn thường gặp ở phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Hậu quả sẽ dẫn đến đái tháo đường type 2 và bệnh tim mạch như thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ. Nếu mắc PCOS, bệnh nhân cũng cần khám phụ khoa định kỳ để đánh giá nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Rối loạn không phóng noãn ở phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang có thể khiến nội mạc tử cung tăng sinh bất thường do mất cân bằng nội tiết giữa Estrogen và Progesteron.

Hội chứng buồng trứng đa nang là một rối loạn bệnh lý theo suốt cuộc đời người phụ nữ, ảnh hưởng không những lên sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, do đó nếu bệnh nhân gặp phải các vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm, hãy chủ động liên hệ với các chuyên gia tâm lý. Điều này sẽ giúp bệnh nhân ổn định cả về thể chất lẫn tinh thần.

“Hội chứng buồng trứng đa nang có thể khởi phát từ lứa tuổi thanh thiếu niên, do đó hãy lưu ý nếu con bạn gặp phải các triệu chứng như rậm lông, mụn trứng cá nặng, béo phì, kinh thưa hoặc vô kinh sau dậy thì. Hãy đi khám để được tư vấn, hướng dẫn, can thiệp sớm nếu mắc bệnh”, bác sĩ Trang khuyến cáo.

Mai Lê

comment Bình luận