Những lưu ý cho người bệnh thận trong dịp Tết
ThS.BS Nguyễn Thị An Thủy, Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai sẽ có những tư vấn cho chúng ta về vấn đề này.
Các lưu ý chung
- Tuân thủ thuốc điều trị: Uống thuốc đúng giờ, không tự ý ngừng hoặc thay đổi liều lượng, ngay cả khi bận rộn.
- Hoạt động thể lực: Không nên hoạt động gắng sức quá mức (leo núi, khiêng đồ nặng). Nên duy trì tập luyện nhẹ nhàng, đi bộ, yoga.
- Theo dõi triệu chứng: Nếu có dấu hiệu mệt mỏi, phù chân, tiểu ít, khó thở tăng, buồn nôn,… cần đi khám ngay.
- Tái khám: Sắp xếp lịch tái khám trước hoặc ngay sau Tết để đảm bảo điều trị không bị gián đoạn.
- Giữ tinh thần thoải mái: Tránh lo âu, căng thẳng quá mức vì có thể làm tăng huyết áp hoặc tái phát triệu chứng.
- Tránh viêm họng: Mặc ấm khi trời lạnh, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, không uống nước lạnh, không tắm lạnh, giữ ấm cơ thể sau khi tắm,…
- Chế độ ăn uống: Tránh thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa (thịt mỡ, đồ chiên xào) và muối (dưa muối, mắm). Cụ thể như sau:
+ Bánh chưng, bánh tét: Rất giàu năng lượng và nhiều chất béo, ít có lợi cho sức khỏe nhất là ở người bệnh suy thận mạn có tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, người bệnh đái tháo đường đã có hoặc chưa có biến chứng suy thận và ở người bệnh hội chứng thận hư có tăng mỡ máu.
+ Dưa muối, củ kiệu, thịt đông: Chứa hàm lượng muối cao, nhiều chất béo, không tốt cho người mắc bệnh thận có tăng huyết áp hoặc bị phù.
+ Tôm, cá khô, xúc xích, thịt bò khô: Có hàm lượng muối cao; đặc biệt xúc xích có hàm lượng chất béo cao, không tốt cho những người bệnh cần hạn chế muối và kiêng mỡ như bệnh thận.
+ Các loại giò chả, thịt hộp, cá hộp, pate: Có nhiều chất béo, hàm lượng protein khá cao. Do đó, người bệnh suy thận chỉ nên ăn một lượng rất hạn chế, khoảng 100 - 150g/ngày và nên dùng ít hơn nữa nếu người bệnh có kèm theo tăng huyết áp, suy tim hoặc suy thận giai đoạn điều trị bảo tồn chưa phải lọc máu chu kỳ.
+ Thức ăn từ phủ tạng của động vật như óc lợn, gan, dạ dày và dưa giá, măng, dù là măng tươi hay khô, đều là những thực phẩm làm gia tăng nồng độ acid uric trong máu, nên tránh dùng ở những người bị mắc bệnh thận có tăng acid uric (bệnh Gút) đi kèm.
+ Các loại trái cây như cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, táo... có nguy cơ tăng kali máu. Nên tránh hoặc hạn chế dùng ở người bệnh suy thận đang điều trị bảo tồn hoặc đã lọc máu chu kỳ. Kali máu tăng là một cấp cứu nội khoa, bệnh nhân có thể tử vong rất nhanh nếu như tăng kali máu gây rối loạn nhịp tim.
+ Nước uống: nên dùng nước đun sôi để nguội. Lượng nước qua ăn hoặc uống vào hàng ngày bằng số lượng nước tiểu/24 giờ cộng thêm từ 400-500ml. Hạn chế nước nếu bị phù nhiều hoặc tiểu ít.
+ Bia rượu: Tuyệt đối không uống rượu bia, không nên uống các loại nước ngọt có ga vì dễ gây các biến chứng về đột quỵ, nhất là người suy thận có tăng huyết áp.
Các lưu ý đối với một số bệnh thận cụ thể
Bệnh Viêm cầu thận mạn có hội chứng thận hư:
- Giảm muối: tiểu ít ăn nhạt hoàn toàn khi có phù. Khi hết phù cần ăn nhạt tương đối: bổ sung 2g muối/ngày hoặc có thể thay thế bằng 2 thìa 5ml nước mắm.
- Hạn chế chất béo chỉ nên sử dụng 20 - 25g/ngày, trong đó đa số là dùng dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu oliu, dầu vừng, dầu lạc …)
- Chất đạm thì bổ sung thịt nạc, cá, sữa, đậu đỗ, lượng đạm nên duy trì 1,5 - 2g/kg/ngày.
- Khi chưa có suy thận, những thực phẩm có thể dùng như: các chất bột đường, các loại gạo, mì.
- Có thể sử dụng sữa bột ít hoặc không có bơ để bổ sung protein và canxi.
- Rau và trái cây có thể dùng như bình thường.
Bệnh suy thận mạn chưa lọc máu:
- Ăn kiêng là điều kiện sống còn với bệnh nhân suy thận. Chế độ ăn sẽ phụ thuộc vào mức độ suy thận, nói chung cần phải giảm protein (đạm) và hạn chế muối. Phải cung cấp đủ vitamin và các yếu tố vi lượng, các yếu tố tham gia quá trình tạo máu. Bảo đảm được cân bằng muối nước, ít chua, đủ canxi và thấp phosphore.
- Những thực phẩm nên dùng: các loại tinh bột có chỉ số đường huyết thấp như mật ong, khoai sọ, khoai lang, miến dong, bột sắn dây.
- Chất béo dầu, mỡ, bơ chỉ sử dụng 35 - 40g/ngày, 2/3 có nguồn gốc thực vật.
- Cần giảm thịt nạc, cá. Càng suy thận nặng càng cần phải giảm lượng đạm nạp vào trong ngày, tuy nhiên vẫn cần đảm bảo nhu cầu năng lượng tối thiểu, duy trì khoảng 0,6 - 0.8g/kg thể trọng/ngày
- Lựa chọn các loại rau ít đạm như: rau họ cải, bầu, bí, mướp…
- Các loại hoa quả nên dùng loại chứa hàm lượng kali thấp như các loại họ dưa (dưa chuột, dưa hấu...). Tuy nhiên cần lưu ý ở người bệnh tiểu đường vì nhiều loại hoa quả có hàm lượng đường cao.
Bệnh nhân suy thận mạn đã lọc máu chu kỳ:
Chế độ ăn của bệnh nhân lọc máu chu kỳ tuy có thể không nghiêm ngặt như trước khi lọc máu, nhưng cũng không được ăn uống như người có chức năng thận bình thường. Cần chú ý lượng nước đưa vào để không được tăng quá 2 kg/giữa 2 lần lọc máu. Người bệnh lọc máu có thể ăn một lượng đạm gần như bình thường từ động vật như các loại thịt, cá, trứng… Cần hạn chế các loại thức ăn có chứa nhiều phospho như sữa, pho mát, lòng đỏ trứng,…
Cần đến bệnh viện ngay khi:
- Tiểu ít, phù tăng lên
- Huyết áp cao không khống chế được tại nhà
- Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, nôn khi ăn
- Đau ngực, khó thở, tim đập nhanh, loạn nhịp
- Sốt, tiểu máu, triệu chứng không cải thiện khi dùng thuốc.
Vì một mùa Tết an vui, Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai kính mong bà con luôn giữ gìn sức khỏe, hài hòa trong chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi và với những bệnh nhân có bệnh lý về thận nên tuân thủ nghiêm túc lời dặn của bác sĩ.
Mạnh Hà
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Những lưu ý cho người bệnh thận trong dịp Tết
Giò, chả, bánh chưng, ô mai, mứt, rượu, bia... là những món ăn, đồ uống đặc trưng của ngày Tết cổ truyền. Với thanh niên, người khỏe mạnh, khả năng tiêu hóa tốt thì việc dạ dày “quá tải” một chút ngày Tết là chuyện nhỏ, nhưng đối với người bệnh thận thì nên ăn uống Tết như thế nào? Có nên ngoảnh mặt làm ngơ với tất cả hương vị của Tết hay thả sức tận hưởng khi cả năm mới có một lần?February 1 at 12:49 pm -
5 lưu ý để bảo vệ đường tiêu hóa trong kỳ nghỉ Tết
Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc là kỳ nghỉ dài nhất trong năm, luôn được người Việt khắp mọi miền đất nước mong chờ. Không khí đón Xuân, vui Tết đoàn tụ bên gia đình với những sắc thắm của quất, mai, đào cùng mâm cỗ Tết và ly rượu mừng ấm áp đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần từ nhiều đời nay.February 1 at 12:49 pm -
Những thực phẩm giúp giảm mỡ gan hiệu quả
Thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý, mỡ trong gan có thể giảm đáng kể. Dưới đây là 7 món ăn uống giúp giảm mỡ gan hiệu quả.January 27 at 4:32 pm -
Chăm sóc sức khỏe trẻ em trong những ngày Tết
Tết Nguyên đán Ất Tỵ là dịp để các gia đình nghỉ ngơi, sum họp. Dịp này, trẻ nhỏ được ăn uống, vui chơi thỏa thích, tuy nhiên, đi kèm với đó lại là nỗi lo của không ít các bậc phụ huynh khi mà những ngày tết cũng là khoảng thời gian nếp sống của trẻ bị xáo trộn, chế độ ăn uống và lịch sinh hoạt thất thường khiến trẻ dễ mắc bệnh.January 26 at 8:35 pm