Những điều cần lưu ý về bệnh cảm cúm giao mùa

Thời tiết thay đổi, chuyển mùa là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Vì thế, nếu không biết cách phòng ngừa hiệu quả, rất dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp trên mà dân gian hay gọi là bệnh cảm cúm giao mùa.
15:24 | 07/03/2024

Cảm cúm giao mùa không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là phổi và tim mạch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những đối tượng dễ mắc cảm cúm giao mùa

Khi mắc phải bệnh cảm cúm giao mùa, người bệnh sẽ có thể gặp phải một số biểu hiện như sốt, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho, hắt hơi, đau đầu. Thông thường tình trạng cảm cúm thường kéo dài trong khoảng một tuần. Bệnh cảm cúm giao mùa có thể xảy ra ở bất kỳ trường hợp nào nhưng những đối tượng sau thường có nguy cơ bị bệnh cao hơn:

Trẻ nhỏ: Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện, sức đề kháng của trẻ còn yếu nên thời điểm giao mùa sẽ khiến trẻ dễ dàng bị mắc bệnh. Hơn nữa, nếu bị bệnh, trẻ nhỏ cũng sẽ có nguy cơ tiến triển nặng hơn hoặc nguy cơ biến chứng cao hơn so với người lớn.

Người cao tuổi: Người cao tuổi thường mắc phải một số bệnh lý mạn tính, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường, bệnh lý về huyết áp, tim mạch, các bệnh lý về gan thận,… vì thế mà hệ miễn dịch của người lớn tuổi cũng sẽ kém đi rất nhiều. Người cao tuổi là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh khi thời tiết chuyển mùa. Sự thay đổi thời tiết sẽ khiến những bệnh lý của người lớn tuổi trở nên nghiêm trọng hơn.

Phụ nữ mang thai: Nhóm đối tượng phụ nữ mang thai luôn cần đặc biệt chú trọng tới sức khỏe. Ở 3 tháng đầu của thai kỳ, người mẹ nên cố gắng không để mắc bệnh, vì nếu mẹ không may mắc bệnh thì sẽ có nguy cơ dị tật cho thai nhi. Nếu không may mắc bệnh, thai phụ cũng cần hạn chế dùng thuốc vì thuốc cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Chính vì thế, đây là đối tượng đặc biệt cần phải phòng ngừa bệnh cảm cúm giao mùa.

Nhóm đối tượng bị suy giảm hệ miễn dịch: Do mắc phải một số bệnh lý.

Lưu ý khi dùng một số loại thuốc điều trị cảm cúm giao mùa

Bệnh cảm cúm giao mùa do virus gây ra nên thường tự khỏi, thế nên những loại thuốc điều trị không thể loại trừ nguyên nhân gây bệnh mà chỉ có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng bệnh. Hơn nữa, nếu không sử dụng đúng cách còn có thể gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc.

Một số phương pháp phòng ngừa bệnh cảm cúm giao mùa

Bệnh cảm cúm giao mùa thường có những dấu hiệu không quá nghiêm trọng và thường chỉ diễn ra trong một vài ngày nên người bệnh có xu hướng chủ quan với bệnh. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai, bệnh có thể gây sảy thai hoặc gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của thai nhi. 

Cách tốt nhất là hãy áp dụng phương pháp phòng ngừa bệnh cảm cúm khi thời tiết giao mùa để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất: Tiêm phòng vắc-xin cúm đầy đủ; giữ ấm cơ thể; khi trẻ có biểu hiện sốt cao cần đưa trẻ đi thăm khám sớm.

Chú ý bổ sung dưỡng chất cho cơ thể, nên ăn uống đa dạng các nhóm thực phẩm,… giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng. Đặc biệt nên bổ sung vitamin C và tỏi trong bữa ăn để tăng cường hệ miễn dịch.

Uống đủ nước (nên uống nước ấm) cũng là một cách giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt hơn và phòng ngừa cảm cúm hiệu quả. Thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng diệt khuẩn để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Súc miệng bằng nước muối để phòng ngừa viêm họng và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Đeo khẩu trang, khi có dịch tránh tụ tập nơi đông người.

Ninh Thu

comment Bình luận