Ngành y tế TP.HCM vững bước phát triển chuyên sâu
Các bác sĩ tại các bệnh viện đầu ngành không chỉ hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các bệnh viện khu vực phía Nam mà còn chuyển giao kỹ thuật tiên tiến cho bác sĩ quốc tế, điển hình như đào tạo can thiệp tim mạch, phẫu thuật nội soi robot… Đồng thời, các bệnh viện cũng không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc và phục vụ người bệnh, hướng đến đạt các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng bệnh viện.
Về Sản phụ khoa: Ngành sản phụ khoa của Thành phố đã đạt nhiều thành tựu ấn tượng, trong đó nổi bật là tỷ lệ tử vong mẹ rất thấp, chỉ 2,02/100.000 ca sinh sống, nhờ vào công tác quản lý thai kỳ nguy cơ cao hiệu quả, đầu tư vào hồi sức cấp cứu và sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa. Bên cạnh mục tiêu giảm tử vong mẹ, việc giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh cũng được chú trọng với sự phát triển của các chương trình tầm soát và chẩn đoán tiền sản hiện đại.
Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng, như xét nghiệm không xâm lấn (NIPT) và chẩn đoán di truyền y học, không chỉ giúp phát hiện bất thường nhiễm sắc thể (hội chứng Down) mà còn sàng lọc các bệnh lý di truyền như Thalassemia. Siêu âm 4D hỗ trợ phát hiện các dị tật thai nhi, trong khi chẩn đoán di truyền phôi trước khi làm tổ giúp hướng đến một thai nhi khỏe mạnh. Chương trình sàng lọc sơ sinh cũng không ngừng mở rộng, đến nay đã tầm soát thêm 50 bệnh chuyển hóa bẩm sinh.
Trong lĩnh vực can thiệp ngoại khoa, phẫu thuật nội soi phụ khoa đã trở nên phổ biến, đặc biệt, nội soi 3D được áp dụng trong điều trị ung thư phụ khoa, giúp nâng cao hiệu quả và tính an toàn. Tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm tại Thành phố đạt 50-60%, tương đương với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhờ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, trong khi chi phí điều trị thấp hơn so với nhiều nước lân cận.
Một trong những đột phá quan trọng năm 2024 là Bệnh viện Từ Dũ phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông van tim cho bào thai ngay trong bụng mẹ – đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được thực hiện thành công tại khu vực ASEAN. Ngoài ra, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nội soi cổ tử cung đã được triển khai tại trạm y tế xã đảo Thạnh An, giúp nâng cao hiệu quả tầm soát ung thư cổ tử cung.
Về Nhi khoa: Ngành nhi khoa của Thành phố đã đạt nhiều bước tiến quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực ghép tạng với 24 ca ghép thận, 24 ca ghép gan và 5 ca ghép tế bào gốc để điều trị ung thư nguyên bào thần kinh. Ngoài ra, các bệnh viện chuyên khoa nhi còn thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật phức tạp, điển hình là tách dính bẩm sinh, gần đây nhất là trường hợp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi. Nhiều bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch, kể cả trẻ sinh cực non với cân nặng chỉ 400-500 gram, đã được cứu sống, góp phần cải thiện đáng kể tỷ lệ tử vong sơ sinh.
Không chỉ tập trung vào điều trị, ngành nhi khoa Thành phố còn chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ bằng các biện pháp chăm sóc toàn diện. Các chương trình điều trị bệnh lý võng mạc do sinh non, tầm soát và can thiệp sớm tình trạng nghe kém, điều trị toàn diện khe hở môi - vòm, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và âm ngữ trị liệu đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Trong lĩnh vực ngoại nhi, các bác sĩ có thể thực hiện hầu hết các ca phẫu thuật phức tạp, phối hợp liên chuyên khoa trong các tình huống tối khẩn cấp. Đặc biệt, kỹ thuật phẫu thuật điều trị ngoài tử cung trong thai kỳ (EXIT) và tách rời thành công nhiều cặp song sinh dính nhau đã khẳng định năng lực y khoa vượt trội của Thành phố.
Bên cạnh đó, ngành nhi khoa cũng đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực thần kinh và chỉnh hình, bao gồm điều trị thành công bệnh teo cơ tủy sống, u não, u tủy, bệnh mạch máu thần kinh, động kinh kháng trị, tạo hình hộp sọ, chỉnh hình cột sống và ghép chi đứt lìa.
Về tim mạch nhi khoa, khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch trẻ em tại Thành phố đã tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới. Nhiều kỹ thuật hiện đại đã được triển khai như CT, MRI tim, siêu âm chẩn đoán tiền sản, phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp ở trẻ sơ sinh, thông tim can thiệp, đặt máy tạo nhịp và điện tim sinh lý, góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc trẻ em mắc bệnh tim mạch.

Ê-kíp các bác sĩ của BV Nhi Đồng 1 và BV Từ Dũ phối hợp thực hiện can thiệp thông van tim cho bào thai ngay trong bụng mẹ (Ảnh: SYT)
Vê Ngoại khoa: Ngành y tế TP.HCM không ngừng nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, từng bước đưa lĩnh vực ngoại khoa đạt trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế. Đặc biệt, các phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu đã mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, bao gồm phẫu thuật nội soi, can thiệp nội soi qua các ngả tự nhiên, can thiệp nội mạch và phẫu thuật robot.
Nhiều thành tựu nổi bật đã được ghi nhận, như phẫu thuật nội soi có hỗ trợ robot trong điều trị các bệnh lý đường tiết niệu, tiêu hóa, gan mật tụy, lồng ngực; phẫu thuật nội soi vào các khớp vai, khớp háng, khớp gối; cùng các can thiệp nội mạch điều trị bệnh lý mạch máu não, tim, gan, thận, ruột, chi… Ngoài ra, phẫu thuật qua các cấu trúc ống tự nhiên như mũi xoang, đường tiêu hóa giúp người bệnh được điều trị tối ưu với mức xâm lấn tối thiểu.
Trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, việc ứng dụng công nghệ in 3D với vật liệu titanium trong điều trị khuyết hỏng xương và xương khớp cá thể hóa đã tạo ra những cấu trúc cấy ghép có độ tương thích cao, phù hợp với từng bệnh nhân, giúp nâng cao hiệu quả điều trị.
Ngoại thần kinh cũng đạt nhiều bước tiến quan trọng với việc triển khai các kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị u não, bệnh lý mạch máu não, bệnh lý cột sống, chấn thương sọ não – cột sống, bệnh đau mạn tính và phẫu thuật thần kinh chức năng. Đặc biệt, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là cơ sở đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu để điều trị bệnh Parkinson và phẫu thuật kích thích tủy sống trong điều trị đau mạn tính. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật điều trị Parkinson, run vô căn và loạn trương lực cơ, mở ra nhiều cơ hội điều trị hiệu quả cho bệnh nhân mắc các rối loạn thần kinh phức tạp.
Về điều trị đột quỵ: Hiện nay, mỗi năm Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận và điều trị hơn 15.000 ca đột quỵ. Với sự hỗ trợ của Hội Đột quỵ Thế giới, Hội Đột quỵ Việt Nam và Hội Đột quỵ TP.HCM, bệnh viện đã trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về đột quỵ, đồng thời hỗ trợ đào tạo và tư vấn thành lập các đơn vị đột quỵ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Những nỗ lực này đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển mạng lưới đột quỵ trên toàn quốc. Đến nay, Việt Nam đã có 96 đơn vị và trung tâm đột quỵ, giúp nâng cao hiệu quả cấp cứu và điều trị bệnh nhân đột quỵ trên phạm vi cả nước.
Về phẫu thuật tim mạch: Sau 30 năm hoạt động, Viện Tim đã thực hiện 36.963 ca phẫu thuật tim với tỷ lệ tử vong chỉ 2,2%, cùng 47.463 ca thông tim can thiệp. Không chỉ phát triển kỹ thuật trong nước, Viện Tim còn chuyển giao công nghệ cho hơn 30 bệnh viện tại Việt Nam và hỗ trợ đào tạo tại một số quốc gia châu Á, cũng như Senegal và Burkina Faso.
Bên cạnh Viện Tim, nhiều bệnh viện chuyên khoa tim mạch và các bệnh viện đa khoa tuyến cuối tại TP.HCM cũng không ngừng phát triển, nâng cao năng lực chuyên môn. Đặc biệt, Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện Nhi đồng 1 đã được tổ chức Children’s HeartLink (Mỹ) công nhận là Trung tâm Tim mạch xuất sắc đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời trở thành trung tâm thứ bảy trên thế giới đạt được danh hiệu này. Đây là cột mốc quan trọng, khẳng định năng lực tim mạch nhi khoa của Việt Nam trên bản đồ y khoa quốc tế.
Trong lĩnh vực Ung thư: Tại TP.HCM, Bệnh viện Ung Bướu cùng nhiều trung tâm điều trị ung thư tại các bệnh viện khác đã không ngừng tiếp cận và ứng dụng các loại thuốc cũng như kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Nhờ đó, chất lượng chẩn đoán và điều trị ung thư ngày càng được nâng cao, mang lại cơ hội sống tốt hơn cho bệnh nhân.
So với khu vực, chuyên ngành ung thư của TP.HCM không hề tụt hậu, thậm chí có những lĩnh vực vượt trội như phẫu thuật tạo hình, vi phẫu và phẫu thuật robot. Trong phẫu thuật ung thư, các bác sĩ Việt Nam đã đạt trình độ ngang tầm thế giới, thực hiện thành công nhiều ca mổ phức tạp với kỹ thuật hiện đại.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực xạ trị, Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển và chưa theo kịp các nước tiên tiến trong việc ứng dụng công nghệ xạ trị bằng proton và hạt nặng. Đây là hướng đi đầy tiềm năng trong tương lai, đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực để có thể sớm bắt kịp xu hướng điều trị ung thư tiên tiến trên thế giới.
Trong lĩnh vực ghép tạng: Chương trình ghép mô-tạng tại Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu từ năm 1992 với ghép thận từ người hiến sống có quan hệ huyết thống. Sau hơn 30 năm, số ca ghép thận đã đạt 1.126 trường hợp. Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận nhiều ca ghép tạng đặc biệt như ghép chéo, ghép khác nhóm máu, ghép thận từ người hiến chết, ghép gan từ người hiến sống (năm 2012) và ghép gan từ người hiến chết não (năm 2015).
Bên cạnh Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều bệnh viện khác tại TP.HCM đã tham gia vào chương trình ghép tạng. Cụ thể:
- Ghép thận: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Bệnh viện Xuyên Á, Bệnh viện Đại học Y Dược.
- Ghép gan: Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Đại học Y Dược.
- Ghép giác mạc: Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Pháp Việt.
- Ghép tủy: Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Tại khu vực phía Nam, Đơn vị Điều phối ghép tạng đã tiếp nhận thông tin từ nhiều bệnh viện như Nhân Dân 115, Nguyễn Tri Phương, Nhân Dân Gia Định, Quân y 175, Xuyên Á, Đa khoa Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh An Giang, Kiên Giang. Trong tương lai, nhiều bệnh viện khác dự kiến sẽ tham gia vào hệ thống này.
Đặc biệt, trong năm 2024, Bệnh viện Đại học Y Dược đã thực hiện thành công ca ghép tim xuyên Việt đầu tiên, mở ra cơ hội sống mới cho những bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch giai đoạn cuối, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam.
Ngoài ra, ngành y tế TP.HCM cũng đã có những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực nội khoa, đặc biệt là trong việc ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu. Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được triển khai thành công, mang lại hiệu quả điều trị cao, bao gồm: hồi sức cấp cứu, tim mạch, nội tiết, hô hấp, thần kinh, nội soi chẩn đoán và điều trị, lọc thận, lọc máu, can thiệp tim mạch chuyên sâu… Nhờ đó, tỷ lệ tử vong giảm đáng kể, giúp kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên khoa khác như Tai Mũi Họng, Mắt, Răng Hàm Mặt, Da liễu, Truyền máu Huyết học, Sinh học phân tử, Y học cổ truyền… cũng phát triển mạnh mẽ các kỹ thuật chuyên sâu, đạt trình độ ngang tầm khu vực ASEAN và thế giới.
Cận lâm sàng và hình ảnh học đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và hỗ trợ điều trị các bệnh lý chuyên khoa. Sự phát triển của đa phương thức hình ảnh học trong điều trị bệnh lý tim mạch đã giúp tối ưu hóa chiến lược điều trị, nâng cao hiệu quả can thiệp.
Lĩnh vực X-quang can thiệp cũng đạt được nhiều thành tựu, giúp chẩn đoán và điều trị xâm lấn tối thiểu cho nhiều bệnh lý phức tạp, mang lại lợi ích tối đa cho người bệnh. Đồng thời, sinh học phân tử ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán sớm các bệnh lý di truyền và điều trị trúng đích, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị trong thời gian ngắn.
Tú Uyên

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Đắk Lắk: Lồng ghép hỗ trợ, tư vấn cộng đồng với công tác dự phòng, giảm tác hại tệ nạn ma túy, mại dâm và phòng, chống mua bán người
Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND, triển khai lồng ghép nhiệm vụ điểm hỗ trợ, tư vấn cộng đồng với công tác dự phòng, giảm tác hại tệ nạn ma túy, mại dâm và phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh năm 2025.February 21 at 1:36 pm -
Đắk Nông: Tăng cường công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn tỉnh
Thực hiện Công văn số 525/BYT-DP ngày 24/1/2025 của Bộ Y tế, UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành văn bản về tăng cường công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn tỉnh.February 20 at 9:08 am -
TP. HCM: Triển khai thực hiện chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
UBND TP. HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn TP. HCM giai đoạn 2025 - 2030.February 20 at 9:08 am -
TP. HCM: Triển khai mô hình hỗ trợ trẻ em và dịch vụ bảo vệ khẩn cấp
UBND TP. HCM thành lập mô hình "một cửa" tại Bệnh viện Nhi đồng để hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, đồng thời cung cấp dịch vụ bảo vệ khẩn cấp tại chỗ.February 19 at 9:46 am