Ngành y tế tỉnh Đắk Lắk quan tâm, hỗ trợ, xoa dịu nỗi đau của những người bệnh phong

Mặc dù đã được điều trị khỏi bệnh phong nhưng hàng chục bệnh nhân phong đang được chăm sóc tại khoa điều trị bệnh phong Ea Na, buôn Tuôr A, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk vẫn phải chịu những di chứng nặng nề do mắc bệnh để lại.
10:21 | 09/02/2025

Họ trở thành nhóm người yếu thế, không thể tự lao động trang trải cho cuộc sống, không có điều kiện phát triển bản thân và mang trên mình những dị hình tàn tật khó nguôi ngoai… Hiểu rõ những mất mát mà các bệnh nhân gặp phải, thời gian qua, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực nhằm giúp cải thiện đời sống của các bệnh nhân, chú trọng công tác chăm sóc điều trị, đồng hành cùng các bệnh nhân phong trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này.

Bác sĩ Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế tặng quà, thăm hỏi các bệnh nhân ở trại phong Ea Na (ảnh: Đình Thi)

Bác sĩ Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế tặng quà, thăm hỏi các bệnh nhân ở trại phong Ea Na (ảnh: Đình Thi)

Bệnh phong là 1 căn bệnh dường như đã bị lãng quên, cuộc sống của những người mắc bệnh phong vẫn còn rất khó khăn, nhưng với ngành y tế, điều trị và chăm sóc người bệnh phong là 1 trong những hoạt động vô cùng quan trọng không thể thiếu trong kế hoạch hàng năm.

BS.CKI Nguyễn Văn Lý – Giám đốc Trung tâm Da liễu tỉnh Đắk Lắk cho biết, năm 2018, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 4 bệnh nhân mắc bệnh phong mới. Từ đó đến nay, không ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh nào. Hiện Khoa điều trị phong Ea Na đang điều trị cho 44 bệnh nhân, trong đó có 27 bệnh nhân điều trị nội trú, 17 bệnh nhân điều trị ngoại trú. Các bệnh nhân đều đã được điều trị khỏi bệnh phong, tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhân đều là những bệnh nhân đã lớn tuổi, chịu nhiều di chứng nặng nề của bệnh phong khiến họ không thể lao động sản xuất, họ sống phụ thuộc vào chính sách đãi ngộ của nhà nước, tuổi cao kéo theo nhiều bệnh lý khác nhau nên việc chăm sóc cho người bệnh gần như là suốt đời…

Bác sĩ Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế và bác sĩ Hoàng Nguyên Duy - Phó Giám đốc Sở Y tế thăm hỏi sức khoẻ bệnh nhân phong (ảnh: Đình Thi)

Bác sĩ Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế và bác sĩ Hoàng Nguyên Duy - Phó Giám đốc Sở Y tế thăm hỏi sức khoẻ bệnh nhân phong (ảnh: Đình Thi)

Tuy nhiên, hiện nay chế độ được hưởng theo quy định của bệnh nhân phong là 240 nghìn đồng/người/tháng. Với số tiền hỗ trợ như trên, so với cuộc sống hiện tại, cuộc sống của các bệnh nhân phong khá khó khăn. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, các bệnh nhân phong rất cần sự quan tâm của cả cộng đồng, nhất là các nhà hảo tâm, mạnh thường quân để phần nào giúp các bệnh nhân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống cũng như trong cuộc chiến chống lại bệnh tật.

Thăm hỏi các bệnh nhân phong tại khu điều trị phong Ea Na nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025 vừa qua, bên cạnh việc gửi lời chúc mừng năm mới, chúc sức khỏe tới các bệnh nhân cũng như gia đình người bệnh, BS.CKII Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế cùng bác sĩ Hoàng Nguyên Duy – Phó Giám đốc Sở Y tế đã tặng quà đầu năm, đồng thời thăm hỏi, động viên các bệnh nhân yên tâm điều trị, hợp tác tốt với các y, bác sĩ để phòng và chữa bệnh, hạn chế biến chứng do bệnh tật.

Các bệnh nhân chia sẻ về tình trạng sức khoẻ cùng lãnh đạo ngành y tế (ảnh: Đình Thi)

Các bệnh nhân chia sẻ về tình trạng sức khoẻ cùng lãnh đạo ngành y tế (ảnh: Đình Thi)

BS.CKII Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Trong những nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân, công tác khám, phát hiện và điều trị bệnh phong là một trong những nhiệm vụ chính của ngành y tế.

Sau 50 năm hình thành và phát triển của trại phong Ea Na, hiện nay toàn tỉnh đã khống chế được bệnh phong, đó là sự nỗ lực rất lớn của tỉnh Đắk Lắk. Mặc dù các bệnh nhân phong không còn mầm bệnh trong người nhưng các khuyết tật thể chất cùng hàng chục năm sống cách ly khỏi xã hội khiến họ chỉ biết nương tựa vào nhau sống nốt quãng thời gian còn lại của đời người. Với trách nhiệm của ngành Y tế, “Lương y như từ mẫu”, lấy bệnh nhân làm gốc, trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục đầu tư, quan tâm đến các bệnh nhân phong cũng như nhân viên y tế của trại phong.

Cụ thể, ngành sẽ đầu tư xây dựng không gian sống gồm những khu nhà nghỉ gắn liền với sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân như trang trại, vườn rau, trồng cây xanh, cây ăn quả, nuôi gà… qua đó bệnh nhân có thể tự cung tự cấp cho rất nhiều bữa ăn và có thể tạo nguồn thu cho khu điều trị phong, giúp họ cải thiện, nâng cao cuộc sống của bà con sống ở đây…

Lãnh đạo ngành y tế kiểm tra bếp ăn tập thể tại trại phong. (ảnh: Đình Thi)

Lãnh đạo ngành y tế kiểm tra bếp ăn tập thể tại trại phong. (ảnh: Đình Thi)

Bệnh phong có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và uống thuốc đúng theo hướng dẫn. Tuy nhiên, sau khi điều trị, bệnh phong hết lây lan, nhưng thường để lại một các di chứng cả về thể chất lẫn tâm thần cho nạn nhân. Do đó, các bệnh nhân phong rất cần được sự chăm sóc, giúp đỡ của xã hội, của mọi người trong việc phục hồi chức năng, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi kinh tế - xã hội và thay đổi hình ảnh người mắc bệnh phong trong cộng đồng. Các bệnh nhân rất cần được đối xử bình đẳng như những người bình thường khác, tránh kỳ thị, xa lánh; tạo điều kiện cho người bệnh được hoà nhập với cuộc sống cộng đồng. Để làm được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự đồng lòng của người dân, có như vậy thì việc đẩy lùi căn bệnh đã từng là nỗi ám ảnh của nhiều người mới thật sự có hiệu quả.

Mai Lê

comment Bình luận