Ý nghĩa tục cúng tiễn ông Công, ông Táo

Theo Tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho biết, cúng Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc theo Đạo Lão của Trung Quốc là cúng ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ, nhưng khi du nhập vào nước ta đã được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" (vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc).

Hôm nay (28/1) theo Âm lịch là 23 tháng Chạp, theo tục cổ truyền của người Việt, hàng năm vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị làm lễ cúng tiễn vua Bếp (cũng gọi là ông Công ông Táo hay Táo quân) lên chầu trời để báo cáo mọi việc tốt xấu của nhân gian. Sau khi tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời, người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối và cắm hoa ở những nơi trang trọng chuẩn bị đón Tết.

Để hiểu rõ hơn ý nghĩa tục cúng tiễn ông Công ông Táo, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA.

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh cho biết, theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc của mình là coi sóc bếp lửa cho các gia đình nơi trần thế.

\"Cúng Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc theo Đạo Lão của Trung Quốc là cúng ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ, nhưng khi du nhập vào nước ta đã được Việt hóa thành huyền tích \"2 ông 1 bà\" (vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc). Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo Bà Táo trong các tín ngưỡng, tôn giáo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bếp là bản nguyên của gia đình khi người xưa biết sử dụng lửa và đều dựa trên nền móng là đất\", TS. Vũ Thế Khanh cho biết.

Theo TS. Vũ Thế Khanh, người Việt ta từ xa xưa đã có tục lệ cúng Táo quân chỉ có Cơm - Canh - Nấu chín, thật đơn giản và rất Việt Nam. Nhưng nó ẩn chứa một triết lý: Bếp lửa có thể nuôi chúng ta sống nhưng nếu lầm lẫn sơ suất, thiếu cẩn trọng thì cũng có thể tạo ra những bi kịch hỏa hoạn.

Tùy thuộc vào hoàn cảnh mà mỗi gia đình có sự chuẩn bị về mâm cỗ cúng ông Công ông Táo khác nhau: trên mâm cỗ cúng có bát canh mọc, đĩa xào thập cẩm, giò, xôi gấc, chè kho, đĩa hoa quả, ấm trà sen, 3 chén rượu, bưởi, trầu, cau, cành đào nhỏ, hoa cúc, thậm chí có gia đình còn cúng cả giấy tiền, vàng mã, ngoài ra còn có đĩa gạo, đĩa muối, các đồ cúng cho “hóa lửa” cháy to để tiễn nhanh ông Công ông Táo về chầu trời.

Theo quan niệm của người xưa : Cá chép vàng hay còn gọi là (Cá chép tiên) là một loài động vật sống ở trên Thiên Đình, do phạm phải lỗi, nên bị Thượng Đế đày xuống trần gian tu hành để chuộc lại tội lỗi của mình gây ra.

TS. Vũ Thế Khanh

Sau khi tu hành có chính quả, thì cá chép sẽ hóa thân thành rồng và bay lên Trời. Còn ông Táo là do Thượng Đế phái xuống trần tục để theo dõi loài người, xem ai là người thiện, người ác.

Cho nên khi cúng Táo Quân thì cúng thêm 3 con cá chép còn sống. 3 Con cá chép này sau khi cúng sẽ “phóng sinh” (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng). Đối với quan niệm của người Việt Nam, tục thờ các vị Táo Quân trong nhà gắn liền với tín ngưỡng của nhà nông: Thứ nhất, đó là tín ngưỡng phồn thực, cầu mong mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, sung túc, đầm ấm.

Thứ hai, dựa trên nền tảng thâm canh nông nghiệp lúa nước;

Thứ ba, là tín ngưỡng thờ đa thần, tục thờ Táo Quân thực chất là tục thờ thần Lửa (vì theo quan niệm, lửa là khởi đầu cho một chu kỳ sống của vạn vật hữu linh).

Vì nguồn gốc là thờ thần Lửa, nên có một số gia đình người Việt thường thờ ông Công ông Táo ở hai nơi, trên ban thờ thần linh và tại các gian bếp.

Về ý nghĩa tâm linh trong việc cúng ông Công ông Táo, TS Khanh cho hay, trước hết là thể hiện sự tri ân (lòng biết ơn) với các bậc thiên thần, nhân thần đã trợ duyên “mưa thuận gió hòa” cho con người trong việc mưu sinh. Trân trọng, đề cao sự nhân ái, thủy chung, thương yêu đùm bọc và gắn bó các thành viên trong gia đình người Việt. Nhắc nhở mọi người tin theo Nhân Quả, luôn làm các điều thiện, lánh xa điều ác, bởi vì trong nhà luôn có Táo Quân (sứ giả nhà Trời) giám sát mọi việc làm của chốn nhân gian.

Cúng Táo Quân không chỉ là “cầu xin” cho cá nhân mình điều này điều kia, bởi khi dâng một lễ vật cho chư vị Tâm linh mà cầu xin lợi lạc thì chẳng hóa ra là vì vụ lợi mà cúng (giống như hối lộ các quan thần linh) chứ không phải là lòng thành tri ân một cách trong sáng. Nếu như chúng ta có đủ công đức thì cho dù không cần xin mà vẫn được phù hộ theo luật Nhân Quả.

Do vậy, mâm lễ cúng tâm linh cao cấp nhất là “dâng cúng và nguyện làm điều lành, điều thiện” để hồi hướng cho các bậc Tâm linh.

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh cho biết,khi cúng xong, những thứ ăn được thì có thể cho mọi người thọ dụng, còn cá thì đem thả ra hồ ao nước sạch sẽ, tránh thả xuống nơi nhơ bẩn hoặc nơi dễ bị mọi người đánh bắt mất. Các đồ vật cúng dâng thì không nên cúng đồ mã, đồ giả, mà nên cúng đồ thật, sau đó đem tặng cho những người nghèo, hoặc tặng cho các thương binh hoặc các trẻ em tật nguyền, có hoàn cảnh thiệt thòi không nơi nương tựa.