Thực phẩm chức năng Dạ dày Vimphar được quảng cáo \'nổ\' như thuốc chữa bệnh dạ dày

Sản phẩm Dạ dày Vimphar của Viện nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam chỉ là thực phẩm chức năng nhưng thời gian gần đây được quảng cáo rầm rộ như là thuốc “điều trị tận gốc các vấn đề dạ dày”.

Gần đây, sản phẩm Dạ dày Vimphar của Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam đang được quảng cáo rầm rộ trên trang web có địa chỉ https://www.dadayvimphar.com với những thuật ngữ thể hiện công dụng của thuốc. Từ đầu trang web, sản phẩm này đã được giới thiệu là có khả năng “điều trị tận gốc các vấn đề dạ dày” gồm: viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày và vi khuẩn HP. Không chỉ vậy, sản phẩm này còn được quảng cáo là “cam kết hiệu quả ngay sau khi sử dụng”.

 
Hình ảnh quảng cáo sản phẩm Vimphar.
 
Trên trang web này, những người sử dụng sản phẩm Dạ dày Vimphar được gọi là bệnh nhân và web đưa ra thông tin rằng “hầu hết bệnh nhân sử dụng 5 – 7 ngày đã bắt đầu có hiệu quả”. Thuật ngữ bệnh nhân vốn chỉ được sử dụng trong trường hợp quảng cáo thuốc chữa bệnh.
 
Đơn vị quảng cáo liên tục gọi người dùng sản phẩm là bệnh nhân.
 
Trên trang web này cũng tràn ngập thông tin, hình ảnh liên quan đến ung thư dạ dày, tạo tâm lý lo sợ cho những người nhìn thấy. Kèm theo hình ảnh là các dòng chữ như “các biến chứng nguy hiểm khi không điều trị dạ dày kịp thời và triệt để”, “đăng ký nhận tư vấn điều trị”. Các thông tin đăng tải này không loại trừ mục đích “hù dọa” và câu hút người bệnh mua hàng.
 
Tràn ngập những thông tin, hình ảnh về ung thư dạ dày trên trang web quảng cáo Vimphar.
 
Không chỉ quảng cáo sản phẩm như “thần dược”, trang web này cũng đăng tải nhiều clip là các chương trình truyền hình quảng cáo cho sản phẩm Vimphar với các dòng tít như “phương pháp mới điều trị dạ dày hiệu quả”, “phương pháp trị dứt điểm bệnh dạ dày”…
 
Nhiều clip truyền hình quảng cáo cho sản phẩm Vimphar cũng được đăng tải.
 
Mặc dù được quảng cáo như một loại thuốc dạ dày, tuy nhiên sản phẩm Vimphar lại chỉ được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (số: 11425/2009/ĐKSP). Điều này cho thấy đây chỉ là một loại thực phẩm chức năng, chưa có các thí nghiệm lâm sàng về khả năng điều trị bệnh.
 


Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm Vimphar.
 
Theo thông tin, Viện nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam có địa chỉ tại liên kề 456 khu đô thị Newhose Xa La (Hà Đông, Hà Nội), lãnh đạo là ông Đỗ Thế Lộc. Ông Lộc cũng đứng tên đại diện pháp luật ở một công ty sản xuất dược phẩm và đã nhiều lần xuất hiện trên truyền hình quảng cáo cho sản phẩm Vimphar.
 
Để tìm hiểu về hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm Dạ dày Vimphar, phóng viên Báo Sức khỏe cộng đồng đã đến văn phòng của Viện nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam theo địa chỉ công bố vào giờ hành chính, tuy nhiên văn phòng đóng cửa.
 
Văn phòng Viện nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam.
 
PV gọi vào số điện thoại trên bảo hiệu trước cửa văn phòng này, người nghe xác nhận đúng là số điện thoại bàn của Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam. Khi PV hỏi về hoạt động quảng cáo sản phẩm Dạ dày Vimphar, người trực điện thoại nói rằng sẽ xin ý kiến lãnh đạo viện rồi liên hệ lại. Một lúc sau, người này đã gọi lại cho PV nhưng lại nói rằng “số điện thoại này trước đây đăng ký như thế nào em không rõ, nhưng giờ không phải của Viện nghiên cứu nào cả, bên em là bên khác”. Dù PV gặng hỏi số điện thoại này hiện thuộc đơn vị nào thì người trực nhất quyết không nói.
 
PV đã đến Cục an toàn thực phẩm đặt lịch làm việc để làm rõ việc sản phẩm thực phẩm chức năng của Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam vì sao được quảng cáo như vậy nhưng vẫn chưa được cơ quan này phản hồi.
 
Khoản 4, Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quảng cáo nêu rõ: “Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”. Khoản d, Mục 2, Điều 7, Thông tư số 09/2015/TT-BYT thì cấm: “Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm”. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, sản phẩm Vimphar được quảng cáo như thuốc mà không thấy bị xử lý.
 
Báo Sức khỏe cộng đồng sẽ tiếp tục thông tin
 
Bá Minh
 
Xem thêm: Video: Bác sĩ BV Việt Đức hướng dẫn cách đeo khẩu trang không bị mờ kính, cứu cánh cho người cận thị