Nguy cơ mất hơn 200 tỷ đồng tại dự án Nha Trang, lãnh đạo nào của Agribank chịu trách nhiệm?

Khoản “tài sản vô hình” hơn 236 tỷ đồng tại Nha Trang (Khánh Hòa) có nguy cơ mất nếu không chứng minh được "trường hợp bất khả kháng".

Lãnh đạo của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam hiện nay là ông Đỗ Đình Hồng (Chủ tịch, Tổng giám đốc) liệu có chịu trách nhiệm về khoản tiền trên nếu không thu hồi được?

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố báo cáo tài chính cho thấy, kết thúc năm 2019, nợ xấu tại ngân hàng này lên đến con số hơn 17.000 tỷ đồng, trong đó có gần 12.400 tỷ đồng có nguy cơ mất vốn. Khoản “tài sản vô hình” hơn 200 tỷ đồng tại Nha Trang (Khánh Hòa) có nguy cơ mất nếu không chứng nh được "trường hợp bất khả kháng".

Báo cáo tài chính của Agribank ghi nhận khoản tiền “tài sản cố định vô hình” hơn 236 tỷ đồng.

Theo giải thích của Agribank, đây là quyền sử dụng đất tại khu đất số 48-48 A Trần Phú, Lộc Thọ, Nha Trang (Khánh Hòa) có nguyên giá là 221,6 tỷ đồng và giá trị hao mòn lũy kế là 31 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam.

Quyền sử dụng đất nêu trên đã bị thu hồi theo các quyết định thu hồi số 3308/QĐ-UBND ngày 16/11/2015 và Quyết định hủy Giấy chứng nhận QSDĐ số 428/QĐ-UBND ngày 21/2/2017 của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Hiện tại, UBND tỉnh Khánh Hòa đang tiến hành các thủ tục mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Sau 49 tháng được giao đất, đến tháng 9/2015, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì Công ty Ngân hàng Nông nghiệp không triển khai các thủ tục đầu tư. UBND tỉnh đã thu hồi lô đất này và tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai lựa chọn nhà đầu tư mới.

Agribank cho rằng, nhà đầu tư mới sẽ phải nộp đủ 236 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh Khánh Hòa để hoàn trả lại cho Agribank. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy.

Theo tìm hiểu, năm 2013, Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước bắt đầu thực hiện thanh tra toàn diện tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam và kiến nghị chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tiến hành xem xét việc sử dụng vốn nhà nước tại Công ty. Tháng 8/2014, khu đất bị kê biên để phục vụ điều tra và đến tháng 6/2015 thì được hủy bỏ lệnh kê biên.

Sau 49 tháng được giao đất, đến tháng 9/2015, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì Công ty Ngân hàng Nông nghiệp không triển khai các thủ tục đầu tư. UBND tỉnh đã thu hồi lô đất này và tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai lựa chọn nhà đầu tư mới. Trong phương án lựa chọn nhà đầu tư mới có đưa ra tiêu chí nhà đầu tư phải nộp lại số tiền hơn 236,6 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước để trả cho nhà đầu tư cũ, gồm 221,6 tỷ đồng tiền trúng đấu giá và gần 15 tỷ đồng lãi phần tiền nộp chậm.

Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều lần gia hạn thời điểm đóng thầu, tất cả các hồ sơ dự thầu của các nhà đầu tư đều không đáp ứng được yêu cầu mời thầu. Ngày 16/8/2018, UBND tỉnh đã ban hành quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tại khu đất 48-48A Trần Phú và chỉ đạo tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư lại theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

UBND tỉnh cho rằng, quyết định thu hồi khu đất căn cứ vào hành vi vi phạm pháp luật về quản lý đất đai quy định tại điểm i khoản 1 Điều 46 Luật Đất đai. Theo quy định này, nhà đầu tư sẽ không được bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp bất khả kháng. Đối với trường hợp này, nếu Thủ tướng Chính phủ xác nhận việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có lệnh kê biên tài sản đối với khu đất trên khiến Công ty Ngân hàng Nông nghiệp chậm tiến độ là “trường hợp bất khả kháng” thì UBND tỉnh mới hoàn trả lại số tiền trên cho nhà đầu tư.

Như vậy, có nhiều khả năng Agribank không những mất quyền sử dụng khu đất 48-48A Trần Phú mà còn không được hoàn trả số tiền hơn 236,6 tỷ đồng, chưa kể khoản lãi suất từ năm 2011 đến nay, nếu không chứng nh được “trường hợp bất khả kháng”.

Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 43/QĐ/HĐQT - TCCB ngày 29/01/2004 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank). Doanh nghiệp này có trụ sở tại số 10 Chùa Bộc, phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Đại diện pháp luật, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hiện nay là ông Đỗ Đình Hồng.

Lãnh đạo của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam hiện nay là ông Đỗ Đình Hồng (Chủ tịch, Tổng giám đốc) liệu có chịu trách nhiệm về khoản tiền trên nếu không thu hồi được?

 

Năm 2014, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Agribank) và Công ty INED.

Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Phạm Ngọc Ngoạn (58 tuổi, trú tại phố Hàng Bài, Hà Nội), nguyên thành viên Hội đồng thành viên Agribank; nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty In – Thương mại và Dịch vụ Agribank (nay là công ty TNHH một thành viên dịch vụ Agribank, về hành vi trên.

Sai phạm của ông Ngoạn được xác định có đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 90 tỉ đồng thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội, để xây dựng nhà máy in ngân hàng vi phạm Luật Đất đai năm 2003.