Bỏ mặc nạn nhân bị nạn ở Tân Phú: Có bị xử lý hình sự không?

Trong trường hợp có căn cứ xác định việc bỏ mặc, không cứu dẫn đến nạn nhân tử vong thì tài xế taxi và một số người đi đường có thể bị xử lý hình sự theo Điều 132, Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Như Báo Sức Khỏe Cộng Đồng đã thông tin trước đó, khoảng 3h12, ngày 25/6, một vụ tai nạn thương tâm giữa xe máy (do 1 nam thanh niên điều khiển, chở theo một cô gái trẻ) đã va chạm mạnh với một taxi Vinasun (do một người đàn ông điều khiển) tại khu vực giao lộ đường Tân Hương - Võ Công Tồn, P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM). Tai nạn khiến người nam nằm một chỗ, có biểu hiện co giật, còn cô gái trẻ nằm cạnh đó, bất động hoàn toàn.

 

Theo hình ảnh trong video cho thấy, ngay khi xảy ra tai nạn người đàn ông điều khiển taxi có bước xuống xe quan sát sau đó lạnh lùng điều khiển taxi bỏ đi, không có hành động cứu người. Trong khi đó, đôi nam nữ nằm bất động, máu chảy lên láng.

 

Càng đáng buồn hơn, khi liên tục có người đi đường phát hiện ra tai nạn nhưng lại làm lơ không quan tâm. Thậm chí, rất nhiều người tập trung lại sau khi phát hiện vụ việc nhưng rồi họ cũng bỏ đi hết, mặc nạn nhân đối diện với cái chết.

 

Tài xế taxi xuống nhìn, và nhanh chóng thoát khỏi hiện trường, bỏ lại nạn nhân nằm bất động. ẢNH CẮT TỪ CLIP.


Cộng đồng mạng đặt ra câu hỏi, liệu hành vi nêu trên của tài xế taxi và người đi đường có dấu hiệu phạm tội hay không?

 

Thứ nhất, nếu tài xế taxi có lỗi trong vụ va chạm giao thông, mở cửa xe ra và thấy nạn nhân trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và bỏ mặc dẫn đến nạn nhân chết thì vẫn chỉ xử lý tài xế về một tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo Điều 260 BLHS.

 

Bỏ mặc, không cứu dẫn đến nạn nhân tử vong thì tài xế taxi và một số người đi đường có thể bị xử lý hình sự? 

 

Tại khoản 2 Điều 260 BLHS quy định về việc không cứu giúp người bị nạn hoặc bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm. Nếu tài xế taxi có hành vi vừa nêu sẽ không chịu thêm trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 BLHS mà đây được coi là một tình tiết định khung tăng nặng theo khoản 2 Điều 260 BLHS.

 

Thứ hai, nếu tài xế taxi không có lỗi trong vụ TNGT, tức không bị xử lý về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì hành vi không cứu giúp nạn nhân của anh ta có thể bị xử lý về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, để xử lý về tội này thì không hề dễ dàng chút nào.

 

Điều 132, Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, quy định như sau:

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."

Lan Anh