Mỗi năm có hơn 2.100 người Việt tử vong vì ung thư tế bào bạch cầu dòng lympho

Tại Việt Nam, năm 2018 có hơn 3.500 trường hợp mới mắc bệnh U lympho (chiếm gần 2,3%) và hơn 2.100 trường hợp tử vong, đứng hàng thứ 14 trong các loại ung thư.
9:21 | 22/01/2019
\"\"
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh phát biểu tại hội nghị

U lympho ác tính (còn gọi là bệnh ung thư tế bào bạch cầu dòng lympho) là loại bệnh lý thường gặp trong nhóm bệnh huyết học ác tính ở người lớn, gồm 2 loại: không Hodgkin và Hodgkin. Trong đó, U lympho ác tính không Hodgkin thường gặp hơn và nhiều gấp 5 lần trường hợp còn lại. U lympho ác tính không Hodgkin đứng thứ 11 về tỷ lệ mắc mới. Số liệu thực tế của các trung tâm về huyết học và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho thấy, bệnh u lympho có tỉ lệ mắc cao, ở nhiều dạng bệnh khác nhau, biểu hiện ở nhiều cơ quan.

Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết tại hội nghị “Cập nhật kỹ thuật mới về chẩn đoán và điều trị U lympho” được Bệnh viện Bạch Mai tổ chức cuối tuần qua.

Theo Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu GLOBOCAN 2018, trên thế giới có gần 510.000 người mắc mới (chiếm gần 6%) và gần 250.000 người tử vong (chiếm gần 2,6%).

Tại Việt Nam, năm 2018 có hơn 3.500 trường hợp mới mắc (chiếm gần 2,3%) và hơn 2.100 trường hợp tử vong, đứng hàng thứ 14 trong các loại ung thư.

Chia sẻ tại hội nghị, GS.TS Mai Trọng Khoa - Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh U lympho có tỉ lệ mắc cao, ở nhiều dạng bệnh khác nhau, biểu hiện ở nhiều cơ quan. Tỷ lệ mắc U lympho ở nước ta theo tuổi là 5,2/100.000 dân. Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở các nhóm tuổi 35-40 và 50-55, tuổi trung bình 50-60 tuổi.

Khi có U lympho nghĩa là cơ thể sản sinh quá nhiều tế bào lympho một cách vô tổ chức và các tế bào lympho này cũng tồn tại lâu hơn.

\"\"

“Đặc biệt, hiện nay tỷ lệ gặp ở người cao tuổi có xu hướng gia tăng. Bệnh thường biểu hiện tại hạch (nên còn gọi là ung thư hạch) chiếm trên 60% hoặc biểu hiện u ở ngoài hạch và có thể ở bất cứ cơ quan, vị trí khác nhau trong cơ thể, hay gặp như ở da, đường tiêu hóa (dạ dày, đại trực tràng…), vòm mũi họng, lưỡi, thần kinh trung ương, hốc mắt…”- GS.TS Mai Trọng Khoa nói

Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, do tính đa dạng mà việc chẩn đoán nhiều khi rất khó khăn, các phương pháp điều trị chưa thống nhất, đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, nhiều cơ sở y tế. Những năm qua, Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa, nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị U lympho, đạt được nhiều kết quả đáng kể.

“Điều trị bệnh lympho tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh và loại mô bệnh học, vị trí tổn thương, thể trạng người bệnh... Phương pháp điều trị là kết hợp đa phương thức, biện pháp chủ yếu là bằng điều trị toàn thân như hoá trị kết hợp điều trị đích, ghép tế bào gốc, điều trị tại vùng như xạ trị, phẫu thuật... “- GS.TS Mai Trọng Khoa thông tin.

Hiện nay, phương pháp mới như điều trị miễn dịch, miễn dịch phóng xạ,... mang lại hiệu quả cao hơn, đặc biệt trong trường hợp bệnh tồn tại dai dẳng hoặc tái phát với các phương pháp điều trị khác. Điều trị miễn dịch giúp tăng cường khả năng phát hiện và nhận diện tế bào u nhằm tiêu diệt các tế bào Ulympho, làm giảm sự phát triển và gây chết các tế bào này.

Phương pháp miễn dịch đã được áp dụng tại Bệnh viện Bạch Mai từ 2016, bước đầu cho thấy hiệu quả và an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Đó là khuyến cáo của GS.TS Mai Trọng Khoa khi trao đổi với phóng viên báo chí bên lề hội nghị trên. Theo GS. TS Mai Trọng Khoa, đối với bệnh nhân ung thư dù là điều trị bằng thuốc tốt đến mấy nhưng nếu cơ thế không có sức đề kháng thì cũng không kích hoạt được việc dung nạp các phương pháp điều trị. Một chế độ ăn hợp lý nghĩa là ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt với bệnh lý Ulympho. Khi cơ thể không đủ chất dinh dưỡng, kéo theo hệ miễn dịch kém đi, sẽ khiến cơ thể không đáp ứng thuốc điều trị.

comment Bình luận