Lâm Đồng: Triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại huyện Cát Tiên

Trong thời gian qua, Trung tâm Y tế Cát Tiên, Phòng y tế đã tham mưu UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, trong đó trọng tâm là phòng, chống sốt xuất huyết.
6:59 | 10/08/2024

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết có xu hướng bùng phát trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Y tế Cát Tiên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thế tích cực triển khai cho người dân, các hộ gia đình ký cam kết phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; chủ động thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh nhà, diệt lăng quăng, diệt muỗi, lật úp các dụng cụ chứa nước chưa sử dụng không cho muỗi đẻ trứng, ngủ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe Nhân dân huyện đã tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết tại thị trấn Phước Cát; tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông trên loa phát thanh địa phương, xe loa tuyên truyền lưu động…

Hiện nay, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cát Tiên đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống sốt xuất huyết; tổ phòng, chống sốt xuất huyết cộng đồng; đội xung kích diệt lăng quăng tại các thôn, tổ dân phố nơi đang có ổ dịch sốt xuất huyết. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông trên hệ thống thông tin đại chúng và tại cộng đồng về biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết, các biện pháp phòng, chống; chủ động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch; tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng…

Lễ phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết tại thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên

Lễ phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết tại thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên

Để tích cực, chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân cần thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng bệnh sau:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... để không cho muỗi đẻ trứng.

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch, các chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường.

Khi bị sốt thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Thái Tuyền

comment Bình luận