Hơn 200 học viên cao học và nghiên cứu sinh được trao bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ Luật

Sáng 22/2, Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Lễ trao bằng tốt nghiệp cho 222 tân Thạc sĩ và 2 tân Tiến sĩ và Khai giảng chương trình sau đại học năm 2025, bao gồm chương trình Thạc sĩ khóa 38 với 407 tân học viên và chương trình Tiến sĩ khóa 21 với 47 tân nghiên cứu sinh.
12:52 | 22/02/2025
PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Ulaw)

PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Ulaw)

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường, nhấn mạnh rằng đa phần các học viên đều là những người đang công tác trong lĩnh vực pháp luật, bao gồm Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các sở, phòng, ban, Tòa án, Viện kiểm sát, công an, quân đội, doanh nghiệp và các ngành liên quan. Đây chính là đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực pháp luật, vì vậy, Nhà trường kỳ vọng các học viên sẽ trở thành những chuyên gia có vai trò như những trạm chuyển tải tri thức, những sứ giả của Nhà trường, đóng góp quan trọng vào việc đổi mới và tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp luật, cơ chế – điều mà Tổng Bí thư Tô Lâm từng khẳng định là "điểm nghẽn của những điểm nghẽn". Qua đó, các học viên sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và pháp quyền của cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như của cả nước.

Nhà trường cũng mong muốn các tân Tiến sĩ, Thạc sĩ được nhận bằng hôm nay sẽ duy trì mối liên hệ chặt chẽ với Nhà trường, tiếp tục học tập, nghiên cứu và cống hiến cho lĩnh vực pháp luật bằng những công trình khoa học có giá trị. Đồng thời, họ sẽ là tấm gương sáng để thế hệ nghiên cứu sinh, học viên cao học sau này noi theo. Thành công của các Tiến sĩ, Thạc sĩ cũng chính là niềm tự hào và thành công của Nhà trường.

Tân Thạc sĩ Lê Anh Tuấn – lớp Cao học Luật Hình sự và Tố tụng Hình sự phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Ulaw)

Tân Thạc sĩ Lê Anh Tuấn – lớp Cao học Luật Hình sự và Tố tụng Hình sự phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Ulaw)

Đại diện các học viên, tân Thạc sĩ Lê Anh Tuấn – lớp Cao học Luật Hình sự và Tố tụng Hình sự – bày tỏ sự tri ân và cam kết: Sau khi tốt nghiệp, dù ở bất kỳ đâu hay trên cương vị công tác nào, các học viên cũng sẽ luôn giữ vững và phát huy tinh thần học tập, nghiên cứu của một học viên cao học, một Thạc sĩ, một Nghiên cứu sinh, một Tiến sĩ của Nhà trường. Đồng thời, mỗi người sẽ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, giữ thái độ khiêm tốn, cầu thị và vận dụng hiệu quả nhất những kiến thức, kỹ năng đã được lĩnh hội từ mái trường thân yêu vào thực tiễn công việc.

Mỗi học viên luôn ý thức rèn luyện và phấn đấu để trở thành những tấm gương mẫu mực trong việc chấp hành và tuân thủ pháp luật tại địa phương, sẵn sàng hỗ trợ chân thành, nhiệt tình cho các thế hệ học viên tiếp theo. Qua đó, mỗi cá nhân sẽ đóng góp một phần nhỏ bé nhưng ý nghĩa vào việc nâng cao uy tín và khẳng định thương hiệu “Sáng tri thức – Vững công minh” của Nhà trường.

Tại buổi lễ, Nhà trường đã khen thưởng 6 học viên có thành tích học tập xuất sắc và long trọng trao bằng tốt nghiệp cho 222 tân Thạc sĩ cùng 2 tân Tiến sĩ.

Mở rộng quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ

PGS.TS. Trịnh Quốc Trung, Trưởng Phòng Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Ulaw)

PGS.TS. Trịnh Quốc Trung, Trưởng Phòng Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Ulaw)

PGS.TS. Trịnh Quốc Trung, Trưởng Phòng Đào tạo Sau đại học, cho biết chương trình đào tạo thạc sĩ của Trường Đại học Luật TP.HCM đã trải qua gần 30 năm hình thành và phát triển. Từ khóa 1 với 23 học viên trúng tuyển vào năm 1997, đến nay, công tác đào tạo sau đại học (bao gồm đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ) của Nhà trường đã có những bước phát triển đáng kể về quy mô, ngành đào tạo, chương trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất.

Tính từ khóa 1 (năm 1997) đến khóa 38 (năm 2025), chương trình đào tạo thạc sĩ Luật của Nhà trường đã thu hút gần 6.000 học viên trúng tuyển và theo học, trong đó hơn 4.000 học viên đã tốt nghiệp và được cấp bằng thạc sĩ. Chương trình đào tạo thạc sĩ hiện được phân thành hai định hướng: nghiên cứu và ứng dụng, với năm chuyên ngành gồm: Luật Kinh tế, Luật Dân sự và Tố tụng dân sự, Luật Hình sự và Tố tụng hình sự, Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Luật Quốc tế. Ngoài ra, Nhà trường còn triển khai chương trình liên kết đào tạo quốc tế, gồm chương trình Thạc sĩ Luật So sánh hợp tác với các trường Đại học Lyon 3, Đại học Bordeaux, Đại học Toulouse (Pháp) và Đại học Libre de Bruxelles (Bỉ).

Chương trình đào tạo tiến sĩ được triển khai từ năm 2004, đến nay đã mở rộng trên tất cả các chuyên ngành có đào tạo thạc sĩ Luật. Sau 21 khóa, chương trình đã tuyển gần 250 nghiên cứu sinh, trong đó 83 nghiên cứu sinh đã được công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ luật.

“Năm 2024, Nhà trường đã tuyển sinh 436 học viên thạc sĩ, trong đó 31 học viên thuộc chương trình liên kết quốc tế, cùng với 47 nghiên cứu sinh tiến sĩ. Dự kiến năm 2025, số lượng tuyển sinh sẽ tăng lên 600 học viên thạc sĩ và 50 nghiên cứu sinh tiến sĩ. Đồng thời, Nhà trường sẽ đẩy mạnh xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ đối với những ngành đã có ít nhất hai khóa sinh viên tốt nghiệp ở trình độ đại học, như ngành Quản trị Kinh doanh và ngành Thạc sĩ Luật Thương mại Quốc tế” – PGS.TS. Trịnh Quốc Trung cho biết thêm.

Linh hoạt phương thức tuyển sinh

PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm đánh trống khai giảng chương trình sau đại học năm 2025 (Ảnh: Ulaw)

PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm đánh trống khai giảng chương trình sau đại học năm 2025 (Ảnh: Ulaw)

Về phương thức tuyển sinh, Nhà trường sẽ áp dụng hình thức xét tuyển hồ sơ kết hợp với phỏng vấn của hội đồng chuyên môn đối với các thí sinh đáp ứng yêu cầu về năng lực ngoại ngữ. Đồng thời, Nhà trường sẽ tổ chức kỳ thi kiểm tra đầu vào về năng lực ngoại ngữ cho các thí sinh chưa đạt yêu cầu nhưng có nguyện vọng tham gia kỳ thi tiếng Anh do trường tổ chức.

Nhằm mở rộng cơ hội học tập, Nhà trường cũng tạo điều kiện cho những người đã tốt nghiệp đại học hoặc đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đại học thuộc các ngành cần bổ sung kiến thức theo thông báo của Nhà trường. Những thí sinh này sẽ hoàn thành chương trình bổ sung kiến thức trước khi dự tuyển đào tạo trình độ thạc sĩ khối ngành Luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Bên cạnh việc mở rộng quy mô đào tạo, Nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy và cách thức đánh giá kết quả học tập của học viên, đảm bảo phù hợp với quy chế đào tạo trong bối cảnh mới. Phương pháp đào tạo sẽ tập trung nhiều hơn vào khả năng tiếp cận và xử lý các vấn đề thực tiễn, hướng đến các chương trình đào tạo tiên tiến.

Đối với đào tạo trình độ tiến sĩ, Nhà trường sẽ tăng cường năng lực sáng tạo và khả năng nghiên cứu độc lập, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo gắn với công tác quản lý. Các nghiên cứu sinh sẽ được tạo điều kiện tối đa để phát huy năng lực nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng học thuật và ứng dụng thực tiễn.

Cao Ánh

comment Bình luận