Hội nghị triển khai vaccine Rota trong chương trình tiêm chủng mở rộng và hội nghị khoa học thường niên năm 2024

Sáng 29/10/2024, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tổ chức hội nghị triển khai vaccine Rota trong chương trình tiêm chủng mở rộng và hội nghị khoa học thường niên năm 2024.
10:56 | 30/10/2024

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, đại diện một số Cục, Vụ, Viện, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, đại diện các Sở Y tế và các tổ chức quốc tế.

Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Phan Trọng Lân phát biểu khai mạc

Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Phan Trọng Lân phát biểu khai mạc

Hội nghị đã nghe đại diện lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phát biểu khai mạc, giới thiệu về những nội dung căn bản trong việc triển khai vaccine Rota trong chương trình tiêm chủng mở rộng và hội nghị khoa học thường niên năm 2024 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương với sự góp mặt của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và những công trình nghiên cứu về y học dự phòng tại Việt Nam.

Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng trình bày kế hoạch triển khai vaccine Rota trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng trình bày kế hoạch triển khai vaccine Rota trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Cùng với đó, đại diện của Viện cũng trình bày bản kế hoạch chi tiết để triển khai vaccine Rota theo lộ trình đã được thông qua với mục tiêu các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng được uống vaccine Rota miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Thực hiện Nghị quyết 104/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Quyết định số 1596/QĐ-BYT ngày 10/6/2024 của Bộ Y tế về ban hành kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024, vaccine Rota sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng miễn phí cho trẻ em từ năm 2024 tại 32 tỉnh. Phạm vi triển khai sẽ được mở rộng lên 41 tỉnh trong năm 2025 theo Quyết định số 1987/QĐ-BYT ngày 11/7/2024 của Bộ Y tế ban hành kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2025 và triển khai trên toàn quốc từ năm 2026 theo Nghị quyết số 104/NQ-CP của Chính phủ.

vaccine Rota sử dụng trong CT TCMR: Rotavin và Rotarix. vaccine Rotavin là vaccine sống, giảm độc lực (uống) do Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (Polyvac) sản xuất trên tế bào Vero. vaccine Rotavin được cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ năm 2012 (loại Rotavin_M1) và gia hạn gần nhất theo số 893310109424 tại QĐ 94/QĐ-QLD ngày 31/1/2024 của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế.

vaccine Rotarix là vaccine sống, giảm độc lực (uống) do Công ty GlaxoSmithKline Biologicals S.A sản xuất, cơ sở xuất xưởng: GlaxoSmithKline Biologicals S.A. vaccine Rotarix được cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ năm 2013 theo số 03/Đ23-QĐ 402 ngày 18/12/2013 của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, được gia hạn lần gần nhất ngày 20/3/2023 tại Quyết định số 172/QĐ-QLD.

Cả hai loại vaccine này đều được Bộ Y tế cấp phép, sử dụng rộng rãi tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ nhiều năm qua, được chứng minh là an toàn và hiệu quả.

Bản kế hoạch cũng đưa ra phạm vi, hình thức và những lưu ý khi triển khai vaccine Rota trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu chỉ đạo hội nghị

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, hiện nay viêm phổi và tiêu chảy vẫn là hai nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2016-2023, vi rút Rota là nguyên nhân gây ra ca tiêu chảy cấp ở 20% đến trên 50% trẻ nhỏ, bệnh làm trầm trọng hơn tình trạng mất nước, gây nguy hiểm đến sức khoẻ của trẻ. Ước tính vi rút Rota khiến hàng trăm nghìn trẻ phải nhập viện và hàng ngàn trẻ phải cấp cứu mỗi năm, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, những địa phương chưa có điều kiện tiếp cận với vaccine phòng bệnh trong tiêm chủng dịch vụ. Hiện nay, vaccine Rota đã được sản xuất trong nước đảm bảo cung ứng cho chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tới đây khi triển khai trong chương trình, trẻ em Việt Nam sẽ được tiếp cận miễn phí một vaccine mới. Để đảm bảo triển khai vaccine Rota hiệu quả, đạt được yêu cầu về tỷ lệ bao phủ và an toàn tiêm chủng, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị:

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương triển khai cho trẻ uống vaccine Rota theo đúng kỹ thuật đảm bảo an toàn; tổ chức tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vaccine Rota kịp thời tới các tỉnh/thành phố để có thể triển khai sớm ngay từ tháng 11/2024. Khẩn trương tiến hành thủ tục mua sắm các vaccine trong tiêm chủng mở rộng theo kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024 bao gồm vaccine Rota để đảm bảo cung ứng kịp thời cho các tỉnh, thành phố sử dụng trong 6 tháng đầu năm 2025;

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chủ động, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ tại các địa phương trên địa bàn phụ trách để đảm bảo triển khai thành công vaccine mới, tổng hợp tình hình kết quả triển khai, quản lý số liệu và báo cáo Bộ Y tế theo quy định;

Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các hoạt động truyền thông về sử dụng vaccine Rota cho đối tượng tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2024. Đồng thời, đề nghị UNICEF xem xét hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, các cơ quan truyền thông triển khai chiến dịch truyền thông về triển khai vaccine Rota trong chương trình tiêm chủng mở rộng;

Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố: Chỉ đạo, tập huấn hướng dẫn các cơ sở y tế tổ chức triển khai sử dụng vaccine Rota trên địa bàn theo kế hoạch ngay sau khi được cung ứng vaccine, theo dõi giám sát phản ứng sau tiêm chủng để đảm bảo an toàn cho trẻ, tránh những ảnh hưởng không tốt đến việc triển khai vaccine mới. Song song với việc triển khai vaccine Rota (vaccine mới này), các tỉnh, thành phố cần tiếp tục duy trì thành quả, tỷ lệ tiêm chủng và triển khai tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả đối với các vaccine đã sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng trong nhiều năm qua để góp phần trong công cuộc phòng, chống bệnh truyền nhiễm. 

Bà Silvia Danilov - Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Bà Silvia Danilov - Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao sự hỗ trợ rất hiệu quả của liên minh toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI) trong việc cung ứng viện trợ vaccine Rota, hỗ trợ kĩ thuật triển khai vaccine Rota. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tổ chức quốc tế WHO, UNICEF, CDC, GAVI…và các tổ chức khác tiếp tục hỗ trợ triển khai vaccine mới khác như phế cầu, ung thư cổ tử cung, cúm mùa trong chương trình tiêm chủng mở rộng thời gian tới để góp phần nâng cao sức khỏe của trẻ em Việt Nam.

Với sự phối hợp chặt chẽ của các tuyến từ Trung ương đến địa phương, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và sự hỗ trợ quý báu của các tổ chức, tôi chắc chắn Việt Nam sẽ triển khai vaccine Rota trong chương trình tiêm chủng mở rộng thành công và hiệu quả.

Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai vaccine Rota trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và Hội nghị khoa học thường niên Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương

Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai vaccine Rota trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và Hội nghị khoa học thường niên Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương

Trong không khí vui mừng của buổi phát động triển khai sử dụng vaccine Rota trong chương trình tiêm chủng mở rộng đồng thời diễn ra Hội nghị khoa học thường niên của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Đây là dịp để các nhà khoa học cùng nhau chia sẻ, thảo luận về những phát hiện mới, những thành tựu nghiên cứu và các thách thức trong công tác y tế dự phòng. Hội nghị không chỉ tiếp tục là nơi công bố những kết quả nghiên cứu quan trọng trong lĩnh vực y tế dự phòng trên toàn quốc như: đậu mùa khỉ, cúm A (H5N1), sốt xuất huyết, kháng kháng sinh, công tác tiêm chủng… mà còn là diễn đàn để các nhà khoa học thể hiện sự sáng tạo, đổi mới trong tư duy nghiên cứu, đóng góp cho sự phát triển của ngành y tế dự phòng Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Thứ trưởng Bộ Y tế hi vọng rằng, các công trình nghiên cứu trình bày tại hội nghị mang lại các thông tin khoa học, cập nhật trên các lĩnh vực như bệnh truyền nhiễm, dịch tễ học, vi sinh y học, vaccine phòng bệnh… đồng thời thảo luận các giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong giai đoạn hiện nay.

Với vai trò của Viện đầu ngành về y tế dự phòng, Viện cần đẩy mạnh về Khoa học công nghệ; phát triển thêm các đề tài nghiên cứu chuyên sâu, đa dạng lĩnh vực, tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học; cần đảm bảo chất lượng của các sản phẩm khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tiễn về phòng chống dịch; khắc phục khó khăn trong mua sắm vật tư hoá chất phục vụ nghiên cứu khoa học, thương mại hoá các sản phẩm khoa học và đăng ký sở hữu trí tuệ.

Theo Bộ Y tế

comment Bình luận