Hội Chữ thập đỏ chủ động tham gia phòng ngừa, ứng phó thiên tai

Sáng 9/5, tại Đà Nẵng, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức hội nghị phòng ngừa và ứng phó với thảm họa năm 2024. Thời gian qua, Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội đã lập kế hoạch ứng phó với thiên tai thảm họa; chuẩn bị lực lượng, ứng dụng phần mềm quản lý đội ứng phó thiên tai thảm họa; nhân rộng mô hình thu gom rác thải và xây dựng nhà an toàn phòng chống thiên tai.
14:39 | 10/05/2024

Năm 2023, cả nước xảy ra trên 1.100 trận thiên tai với 21/22 loại hình thiên tai. Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng như: Sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm 3 chiến sĩ và 1 người dân bị vùi lấp; sạt lở tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) làm 2 người chết, 5 người bị thương; mưa lớn gây lũ quét tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát (Lào Cai) khiến 9 người chết; 3 đợt mưa lớn tại miền Trung từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 làm 14 người chết, mất tích.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục duy trì lực lượng ứng phó, bao gồm 5 thành viên đội ứng phó thảm họa cấp khu vực (RDRT) sẵn sàng tham gia hỗ trợ các nước khi có thiên tai và được hiệp hội điều động; đội ứng phó thảm họa cấp Trung ương (NDRT) với 59 thành viên được tập huấn nâng cao năng lực; 44 đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh với 1.100 thành viên trong đó có 10 đội ứng phó thảm họa hỗn hợp với sự tham gia của các thành viên.

Cả nước có trên 400.000 tình nguyện viên chữ thập đỏ, trong đó mỗi tỉnh thành đều có ít nhất 1 đội tình nguyện viên về phòng ngừa và ứng phó thảm họa, tình nguyện viên chữ thập đỏ tại các vùng trọng điểm thiên tai thường xuyên được tập huấn, tuyên truyền về kỹ năng, nghiệp vụ về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm hoạ. Công tác thanh thiếu niên chữ thập đỏ trong trường học tiếp tục được duy trì thực hiện với các hoạt động tập huấn Sơ cấp cứu trường học, an toàn trường học, kỹ năng sống, phòng chống đuối nước, truyền thông phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Tổng giá trị hoạt động phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng năm 2023 đạt trên 149 tỷ đồng, trợ giúp 394.505 lượt người bị ảnh hưởng. Hội đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án phòng ngừa thiên tai, thảm họa như: Dự án “Mô hình toàn diện về cộng đồng an toàn”, dự án “Xanh hóa hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai”, dự án “Hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo” đối với nắng nóng. Các dự án đã tìm ra các can thiệp hiệu quả, phù hợp với xu thế chung của phong trào cũng như định hướng của Chính phủ, đó là chuyển đổi từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, hành động sớm, ứng phó sớm thông qua các can thiệp: FBF (đầu tư dựa vào dự báo); NBS (giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào thiên nhiên); xây dựng cộng đồng an toàn, Hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu.

Hưởng ứng Ngày Sơ cấp cứu thế giới năm 2023 với chủ đề “Sơ cấp cứu trong thế giới số”, nhiều tỉnh, thành Hội đã triển khai các hoạt động hưởng ứng như: 11 hội thi hoặc thao diễn sơ cấp cứu với trên 2.000 người tham gia, tổ chức 1.034 lớp tập huấn sơ cấp cứu cho trên 39.000 người và 1.178 buổi truyền thông về sơ cấp cứu, phòng tránh tai nạn thương tích cho 163.610 lượt người; truyền thông, phổ biến kiến thức về sơ cấp cứu cho hơn 537.000 lượt người, trong đó hơn 135.600 lượt người được huấn luyện sơ cấp cứu.

Để sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó thảm họa, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng trong năm 2024, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục duy trì các chương trình phối hợp trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh với các bộ, ban ngành; nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng; nâng cao hiệu quả công tác vận động nguồn lực cứu trợ; ứng phó và hỗ trợ phục hồi; rà soát bổ sung các mặt hàng cứu trợ tại 4 kho hàng dự trữ của Trung ương Hội.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Tiếp tục hoàn thiện, phê duyệt và ban hành khung hành động sớm đối với loại hình thiên tai. Bổ sung các quy chế sử dụng các nguồn lực trong nước huy động bởi các cấp Hội cho các hành động sớm ứng phó nắng nóng, gió bão, lũ lụt do mưa bão khi đạt các ngưỡng kích hoạt đã phê duyệt và thống nhất bởi Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các cơ quan dự báo khí hậu.

Đồng thời, hướng dẫn Hội Chữ thập đỏ các cấp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Hội về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng. Tổ chức các đợt truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng, vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện nhằm đảm bảo nguồn dự trữ, cung cấp máu khi thiên tai, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng xảy ra.

Tăng cường công tác thông tin đối ngoại với các đối tác trong và ngoài phong trào chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các cơ quan thông tấn, báo chí quốc tế về tình hình hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả công tác vận động nguồn lực.

Công Tâm

comment Bình luận