Gia tăng số ca đột quỵ vào những ngày cuối năm

Vào những ngày cuối năm, số ca đột quỵ liên tục gia tăng, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi và những người có bệnh lý nền mạn tính. Chỉ trong hai ngày, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á đã tiếp nhận ba ca đột quỵ não nguy kịch. Ngoài ra, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám các vấn đề liên quan đến bệnh lý thần kinh, tim mạch, hô hấp...
18:08 | 28/12/2024

Trong những năm gần đây, nhờ các chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng của Bệnh viện Xuyên Á, nhận thức của người dân về đột quỵ đã được nâng cao đáng kể. Điều này giúp bệnh nhân phát hiện sớm bệnh ngay trong "giờ vàng", từ đó tăng cơ hội sống sót và phục hồi.

Một trường hợp đáng chú ý là bệnh nhân N.Q.V (75 tuổi, ngụ tại Hóc Môn). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng yếu liệt nửa người trái và không thể đi lại. Trước đó, vào buổi trưa, ông tham dự một buổi tiệc, uống bia và cảm thấy chóng mặt. Sau khi về nhà, ông cảm thấy yếu nửa người trái và nghĩ đó là hiện tượng bình thường ở người cao tuổi. Tuy nhiên, khoảng một giờ sau, tình trạng yếu liệt nặng dần, ông không thể đi lại được và đã được người thân đưa đến Bệnh viện Xuyên Á cấp cứu.

Ông V. đã rơi vào tình trạng gần như liệt hoàn toàn nửa người trái, với tay trái yếu. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ nhận thấy rằng đã hơn 2 tiếng 30 phút kể từ khi triệu chứng đột quỵ bắt đầu xuất hiện. Ngoài ra, ông V. có tiền sử tăng huyết áp, nhưng không đi tái khám định kỳ mà tự mua thuốc uống. Bệnh nhân cũng là người nghiện thuốc lá nặng, hút 1-1.5 gói mỗi ngày trong hơn 50 năm.

Sau khi chụp và xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc nhồi máu não cấp, vẫn trong "giờ vàng". Các bác sĩ đã chỉ định tiêm thuốc tiêu sợi huyết (rTPA) ngay tại khoa Chẩn đoán hình ảnh. Sau 20 phút tiêm, ông V. đã có thể cử động chân trái và cải thiện khả năng vận động, sức cơ tay cũng gần như phục hồi hoàn toàn. Sau gần 2 ngày điều trị tại Đơn vị Đột quỵ - Khoa Nội thần kinh, ông đã có thể đi lại nhẹ nhàng trong phòng bệnh.

BS Nguyễn Văn Nhản, khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

BS Nguyễn Văn Nhản, khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Một trường hợp khác là bệnh nhân V.T.X.T (74 tuổi, ngụ tại Củ Chi). Bà T. đột ngột yếu nửa người trái và triệu chứng kéo dài khoảng 15 phút. Do nghi ngờ đây là dấu hiệu của đột quỵ, bà được người nhà đưa đến Bệnh viện Xuyên Á để kiểm tra. Sau khi chụp MRI, các bác sĩ chẩn đoán bà bị thiếu máu não thoáng qua, nguy cơ cao do tăng huyết áp. Bà T. được nhập viện và theo dõi. Sau đó, bà tiếp tục có các triệu chứng giống như ban đầu, các bác sĩ xác định bà đã bị nhồi máu não cấp và tiến hành tiêm thuốc tiêu sợi huyết. Nhờ can thiệp kịp thời, bà đã phục hồi hoàn toàn.

Trường hợp tiếp theo là bà P.T.T.A (58 tuổi, ngụ tại tỉnh Long An), có tiền sử tăng huyết áp. Bà A. được chuyển từ một bệnh viện địa phương đến Bệnh viện Xuyên Á trong tình trạng nói khó, yếu nửa người trái và không thể đi lại. Bà có tiền sử bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường type 2 hơn một năm qua. Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, bà được chẩn đoán nhồi máu não cấp và vẫn trong "giờ vàng". Các bác sĩ đã tư vấn tiêm thuốc tiêu sợi huyết để điều trị.

Sau khi tiêm, sức cơ của bà phục hồi đáng kể, khả năng vận động các chi và khả năng nói cũng được cải thiện. Tuy nhiên, do sự chậm trễ trong việc chuyển viện từ cơ sở y tế không có trung tâm điều trị đột quỵ, việc cấp cứu và sử dụng thuốc tiêu sợi huyết bị muộn, làm giảm hiệu quả điều trị. Vì vậy, bà A. vẫn cần tiếp tục được theo dõi và phục hồi chức năng trong thời gian tới để hồi phục sức khỏe.

BS.CKII Diệp Trọng Khải, Trưởng Khoa Nội Thần Kinh, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, khuyến cáo người dân chú ý một số điểm để phòng ngừa và nâng cao hiệu quả điều trị đột quỵ:

- Khi phát hiện các dấu hiệu như méo miệng, nói khó, yếu liệt tay chân, mất ngôn ngữ, cần đến ngay cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ để tận dụng "giờ vàng" và sử dụng thuốc tiêu sợi huyết trong 4,5 giờ đầu sau khi có triệu chứng.

- Người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, mỡ máu cao cần thăm khám định kỳ và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Không tự ý mua thuốc và tự điều trị tại nhà.

- Hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng phù hợp, ăn uống hợp lý, tránh căng thẳng quá mức và giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh.

Cao Ánh

comment Bình luận