Gia Lai: Tổ chức lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui và hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV, năm 2024

Nhằm hướng tới kỷ niệm 31 năm ngày di tích Plei Ơi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia (24/3/1993 - 24/4/2024), sáng 30/4, tại khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi thuộc huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai tổ chức lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui và hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV, năm 2024.
17:38 | 01/05/2024

Lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 8/6/2015.

Huyện Phú Thiện có trên 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều bản sắc văn hóa tín ngưỡng, trong đó có văn hóa tín ngưỡng cầu mưa của người đồng bào dân tộc Jrai. Trong văn hoá tín ngưỡng của người Jrai thì “Nước” và “Lửa” là một trong nhiều yếu tố khởi nguồn của mọi sự sống. Vì vậy, hàng năm tổ chức lễ cầu mưa để cầu cho cuộc sống của người dân luôn được mạnh khoẻ, ấm no, hạnh phúc.

Nghi lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui 

Nghi lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui 

Văn hóa và sản phâm thủ công của người Jrai

Văn hóa và sản phâm thủ công của người Jrai

Lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui diễn ra trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang, tại khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi. Nghi thức cúng cầu mưa được phục dựng nguyên bản theo phong tục của người Jrai bản địa do ông Siu Phơ phụ tá của ông Rah Lan Hieo - phụ tá đời Vua Lửa thứ 14 thực hiện.

Song song với lễ cúng cầu mưa, các địa phương trong huyện Phú Thiện tham gia hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số với nhiều nội dung: Trình diễn cồng chiêng, đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, chạy cà kheo, bắn nỏ, nhảy bao bố và tổ chức giải chạy việt dã huyện Phú Thiện mở rộng lần thứ II năm 2024 vào ngày 1/5/ với nội dung thi đấu 7 km nam và  5 km nữ.

hinh 3
Các vận động viên nữ tham gia chạy việt dã

Các vận động viên nữ tham gia chạy việt dã

Đến với lễ cầu mưa, du khách còn được tham quan, mua sắm tại phiên chợ nông sản với 21 gian hàng trưng bày đến từ các địa phương trên địa bàn huyện với các mặt hàng lưu niệm, các sản phẩm đặc trưng từ thổ cẩm, chả cá thác lác, sữa chua nếp cẩm, gạo, bò một nắng, muối kiến vàng, được thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Jrai như: Cơm lam, gà nướng, rượu ghè, lá mì, cà đắng và các loại mặt hàng nông sản đặc trưng của huyện nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan ăn uống của du khách.

Ngoài các hoạt động tại lễ cầu mưa khu di tích lịch sử - văn hóa Plei Ơi, du khách có thể tham dự các hoạt động tại một số điểm kết nối như: Hồ thủy lợi Ayun Hạ, chùa Quang Sơn xã Ayun Hạ, tham quan hồ sen tại xã Ia Yeng và lễ cũng cầu mưa Yang Ơi Dai tại thôn Plei Rbai, xã Ia Piar.

Đến với khu du lịch sinh thái hồ thủy lợi Ayun Hạ, du khách được chiêm ngưỡng công trình thủy lợi lớn nhất Tây Nguyên, được du thuyền dạo chơi trong lòng hồ để cảm nhận không gian xanh mát, non nước hữu tình. Rời xa sự ồn ào, náo nhiệt, tìm đến sự thư giãn, yên bình tại chùa Quang Sơn, cách trung tâm hành chính huyện 8 km về hướng Tây. Ngôi chùa nằm dưới chân núi, bao bọc bởi rừng cây xanh mát cùng hệ thống kênh chính Ayun Hạ tạo cảnh quan sơn thủy hữu tình. Một địa điểm đem đến sự bình yên cho du khách là hồ sen xã Ia Yeng. Đến đây, du khách sẽ được tham quan, chèo thuyền chiêm ngưỡng vẻ đẹp dịu dàng của cánh đồng sen đang nở rộ rộng 15 ha, thưởng thức trà sen và các sản phẩm từ sen như ngó sen, hạt sen, đặc biệt được chứng kiến lễ thổi tai cho em bé rất độc đáo của người Jrai.

Cũng với nghi lễ cúng cầu mưa nhưng tại làng Plei Rbai (xã Ia Piar), du khách sẽ được chứng kiến nghi lễ rước nước bằng kiệu từ bến nước ở bờ sông Ayun về làng, tận mắt chứng kiến Nghệ nhân Ưu tú Ksor Lol thực hiện nghi thức hô mưa gọi gió. Giống như tại xã Ayun Hạ, du khách tới Plei Rbai cũng được thỏa thích hòa mình vào các trò chơi dân gian, được giao lưu văn hóa - văn nghệ, đốt lửa trại, cùng trải nghiệm, tìm hiểu nét văn hóa độc đáo trong đời sống hàng ngày của người dân địa phương.

Lễ hội là dịp để địa phương quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ, đồng thời giới thiệu các danh lam thắng cảnh, sản vật địa phương với du khách gần xa, qua đó thu hút đầu tư để phát triển ngành kinh tế không khói tại địa phương.

 

Trọng Quyên – Gia Long

comment Bình luận