Đồng Tháp: Thích ứng với chuyển đổi xanh, giảm phát thải

Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức chương trình “tập huấn và thảo luận nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động thích ứng với xu hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải về “Nông nghiệp xanh” cho các doanh nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
15:27 | 11/11/2024

Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động trước thềm diễn đàn khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần II – năm 2024.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, Đồng Tháp là một trong những trung tâm nông nghiệp lớn nhất cả nước, đang thực hiện tái cơ cấu ngành và thúc đẩy chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, bền vững, hướng đến trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Giám đốc đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Vũ Minh phát biểu tại buổi tập huấn

Giám đốc đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Vũ Minh phát biểu tại buổi tập huấn

Chuyển đổi xanh giúp tối ưu hóa các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn cho các thế hệ tương lai. Đây là bước đi rất cần thiết trong bối cảnh Đồng Tháp và cả khu vực đang đối mặt với thách thức biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng, theo chiều hướng ngày càng khốc liệt.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, nhiều nước phát triển trên thế giới đã và đang đặt ra những cơ chế, quy định khắc khe như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), quy định chống phá rừng, đạo luật cạnh tranh sạch (CCA)... để thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam cũng đã có một số cam kết quốc tế, ban hành nhiều quyết định, nghị định liên quan đến chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Trong đó, có Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg về kiểm kê khí nhà kính, với danh mục 6 lĩnh vực và trên 2.000 doanh nghiệp thực hiện kiểm kê.

Chuyển đổi xanh là hoạt động rất cần thiết, động lực phát triển của doanh nghiệp, khởi nghiệp hiện nay, tuy nhiên doanh nghiệp còn gặp khó khăn do còn hạn chế các giải pháp kỹ thuật, thiếu hụt nhân sự có chuyên môn, tài chính xanh, chiến lược giảm phát thải, chuyển đổi xanh.

Bà Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thông tin chính sách, thực tiễn quốc tế, trong nước gắn với chuyển đổi xanh

Bà Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thông tin chính sách, thực tiễn quốc tế, trong nước gắn với chuyển đổi xanh

Một số giải pháp bước đầu cho doanh nghiệp trong lộ trình phát triển nông nghiệp xanh là: Tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về chuyển đổi xanh; cập nhật, nâng cao nhận thức về chính sách, thực tiễn trong nước và quốc tế trong xu hướng chuyển đổi xanh; tăng cường hợp tác với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước để được hỗ trợ về giải pháp công nghệ; thúc đẩy các sáng kiến chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp.

Về phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, đại diện Helvetas Việt Nam chia sẻ quy trình, kinh nghiệm thực hiện của 3, trong số 250 dự án, mô hình đang thực hiện, bao gồm: Dự án thương mại thông qua bảo vệ đa dạng sinh học (Bio Trade); dự án kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao; mô hình du lịch xanh Quảng Nam. Qua đó, giúp doanh nghiệp thấy được lợi ích, quy trình và các yếu tố của việc phát triển dự án, mô hình về lĩnh vực nông nghiệp xanh.

Đại diện tổ chức cũng gợi ý 05 giải pháp để doanh nghiệp phát triển nông nghiệp xanh. Cụ thể, doanh nghiệp cần xác định thị trường mục tiêu trong và ngoài nước; áp dụng các biện pháp sản xuất bền vững; tăng cường hợp tác với tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước về kỹ thuật; tích hợp công nghệ trong sản xuất; kiểm kê phát thải carbon. 

Đại biểu chia sẻ khó khăn với chuyên gia

Đại biểu chia sẻ khó khăn với chuyên gia

Tại đây, các doanh nghiệp, chủ thể khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh cũng chia sẻ về khó khăn trong kết nối với các chuyên gia; tiếp cận thị trường và mở rộng quy mô sản xuất; liên kết với doanh nghiệp uy tín bao tiêu đầu ra...

Bà Phạm Ngọc Thủy cho biết, những khó khăn trên và nhiều vấn đề khác liên quan đến nông nghiệp xanh sẽ được các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước thảo luận, gợi mở giải pháp trong phiên toàn thể của diễn đàn khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long lần II, vào ngày 15 - 16/11 tới. 

Cẩm Tiên

comment Bình luận