Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá để giảm gánh nặng bệnh tật trong tương lai

Ngày 20/9, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo về Thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng có hại cho sức khỏe. Theo đó, các chuyên gia y tế cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường là rất cần thiết để giảm gánh nặng bệnh tật trong tương lai.
15:34 | 23/09/2024

Thông tin tại hội thảo, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, xu hướng sử dụng các sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia và đồ uống có cồn đang tăng lên. Trong khi đó, thuốc lá là sản phẩm cực kỳ gây hại với sức khỏe. Đặc biệt, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây ra 11 loại ung thư và hàng loạt các bệnh mạn tính khác.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm cho biết thêm, sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Mỗi năm, cả nước có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào 2030, gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ nếu không kiểm soát tác hại của sản phẩm này.

Thế nhưng, xu hướng tiêu dùng thuốc lá ở Việt Nam lại đang gia tăng, đây là điều đáng báo động. Tỷ lệ hút thuốc dự báo có thể tăng lên 43% vào năm 2030. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng lên nếu không có biện pháp can thiệp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, các biện pháp kiểm soát việc hút thuốc hiện nay như in cảnh báo bằng hình ảnh, truyền thông, tăng thuế, môi trường không thuốc lá… đã phát huy tác dụng ở một mức nhất định, nhưng chưa đủ. Thậm chí, các biện pháp này đã tương đối bão hòa, cảnh báo quen thuộc, không có gì đột phá ngoài thuế thuốc lá.

Do đó, bác sĩ Lâm cho rằng, tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá tại nước ta là 38% - thấp nhất trong khu vực.

Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, WHO cũng khuyến cáo cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn.

WHO khuyến nghị cần tăng giá bán lẻ ít nhất 10%. Bộ Tài chính và Y tế cũng đề xuất lộ trình tăng giá bán rượu bia ít nhất 10% theo khuyến nghị của WHO, nhằm giảm tỷ lệ sử dụng và ngăn tác hại sức khỏe.

Với mặt hàng thuốc lá, theo đề xuất của Bộ Tài chính, với 2 phương án thì mức thuế tuyệt đối tính đến năm 2030 mới là 10.000 đồng/bao, chiếm tỷ trọng khoảng 59,38% giá bán lẻ.

Bộ Y tế đề xuất mức thuế tuyệt đối cần tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao và đạt 15.000 đồng/1 bao (20 điếu/1 bao) vào năm 2030 bên cạnh thuế tỷ lệ 75%. Phương án này sẽ giúp đạt tỷ trọng thuế 65% giá bán lẻ, gần đạt được mức khuyến cáo của WHO (70-75% giá bán lẻ) và giúp giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống 36% vào năm 2030.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế cho hay, dự kiến tháng 10 tới, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc Hội và thông qua vào tháng 5/2025. Đây là tín hiệu đáng mừng vì hướng tới mục tiêu vì lợi ích sức khỏe của người dân.

Thu Trang

comment Bình luận