Để tuần khủng hoảng chẳng có gì đáng khủng hoàng, ba mẹ cần chuẩn bị tâm lý như thế nào?

Mẹ từng bất lực đóng cửa nhà vệ sinh để khóc vì con không ăn. Hỏi cái gì con cũng chỉ nhìn - và nhìn. Thông báo với mẹ, con đã bước vào Wonder Week và mẹ cần chuẩn bị tâm lý ngay để vượt qua được giai đoạn này.
14:22 | 17/08/2020

Đứa con hôm qua vẫn đang biết cách tự chơi rất ngoan, bỗng dưng “nổi hứng” bám chặt lấy mẹ, khóc ngặt nghẽo cho đến khi nào được bế lên.

Đứa con lúc nào cũng hào hứng với những bữa ăn, bỗng dưng thờ ơ với mọi món, kể cả những món con vô cùng thích trước đây.

Những lần “bỗng dưng” đó khiến ông bố bà mẹ không khỏi hoang mang, lo lắng, và luôn tự hỏi “Có gì không ổn với con chăng? Hay là mình đã làm sai điều gì đó?”

Xin thưa với bố mẹ, đó chính là tuần khủng hoảng của trẻ (wonder Week) và bài viết này chính là để giúp bố mẹ biết cần chuẩn bị tâm lý thế nào khi con bước vào Wonder Week.

1. Tuần khủng hoảng (Wonder Week) là gì?

Trong suốt quá trình nuôi dạy con, đặc biệt là trong 2 năm đầu đời, chắc hẳn không ít lần bố mẹ cảm thấy “phát điên” và kiệt sức bởi sự dở chứng và khó hiểu của con. Nhưng sự thật là những nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Tất cả những đứa trẻ khoẻ mạnh, bình thường đều hay khóc lóc, đều rắc rối, nhiêu khê và nhặng xị ở cùng một thời điểm. Đó chính là Tuần khủng hoảng (Wonder week).

Bằng những nghiên cứu trong suốt 35 năm của mình, Tiến sĩ Hetty van de Rift và Tiến sĩ Frans Plooij, đồng tác giả của cuốn sách nổi tiếng thế giới “The Wonder Week – Tuần khủng hoảng”, thậm chí còn có thể đoán trước được cả thời điểm đứa trẻ sẽ trải qua giai đoạn nhặng xị này.

Vậy tại sao trẻ lại bám dính, quàu quạu và khóc lóc trong khoảng thời gian nhất định đó?

Câu trả lời chỉ có một: Do trẻ đột nhiên trải qua những thay đổi lớn trong quá trình phát triển và điều đó khiến trẻ khó chịu. Lấy một ví dụ như việc, bạn thức dậy vào một buổi sáng và thấy mình ở một thế giới hoàn toàn xa lạ. Bạn không thể nói hay làm bất cứ việc gì, nên đành khóc để hiện cảm xúc, bạn cũng phải bám dính lấy người duy nhất bên cạnh mình hằng ngày để nhờ họ giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi. Những nghiên cứu đều chỉ ra rằng wonder week không chỉ là wonder week đơn thuần. Sau những dấu hiệu nhặng xị đó, con bạn sẽ có một bước nhảy vọt thần kỳ khiến bạn và những người xung quanh chắc chắn sẽ phải vô cùng ngạc nhiên. Nhưng vượt qua được giai đoạn này chắc chắ không hề đơn giản, ba mẹ nhỉ?

2. Ba mẹ cần chuẩn bị tâm lý như thế nào?

Có bao giờ bạn phải tức tưởi khi con ngồi dậy gào thét cả đêm?

Có bao giờ bạn đóng cửa nhà vệ sinh chỉ để khóc vì con không chịu ăn mà chỉ giương mắt nhìn?

Bí quyết để vượt qua tuần khủng hoảng là chẳng có bí quyết gì cả. Ba mẹ chỉ cần nhớ đúng 3 từ: Mặc - Kệ - Nó. Thật vậy, đây là giai đoạn tất yếu phải trải qua. Ba mẹ nên nhớ:

- Hiểu và ứng phó với con khi con khó chịu và làm cách nào để thấy thoải mái nhất với con khi con phát triển.

- Đừng quên tuần khủng hoảng chính là thời gian con cần bạn nhất và cũng là giai đoạn con có khả năng học hỏi được nhiều thứ nhất. Ba mẹ hãy nghĩ tất cả những gì trải qua bây giờ sẽ là bước đệm cần thiết để con có thể “phá kén” thành công.

-  Hãy tin rằng chỉ vài ngày hoặc nhiều nhất là vài tuần nữa, ngay sau những ngày nhặng xị này, con sẽ lại vui vẻ, hoạt bát và thậm chí còn học được vô vàn những cái mới.

Có thể đọc đến đây bố mẹ sẽ nghĩ nói thì dễ, làm mới khó. Ba mẹ nào cũng từng cáu gắt với con khi con không chịu ngủ, từng thấy chán nản khi bao công sức làm đồ ăn mà con thì chỉ ném và ném, từng kiệt sức vô cùng khi cứ đặt con xuống là khóc và cứ phải bế ẵm suốt mà không làm được việc gì. Nhưng, càng khó chịu bao nhiêu thì càng mệt mỏi bấy nhiêu mà chắc chắn vẫn không hề thay đổi được thực tại rằng con đang trong tuần khủng hoảng và cần lắm sự dịu dàng, yêu thương, vỗ về từ người mẹ. Một câu nói “Con đang wonder week phải không?”, “Chắc con đang khó chịu lắm hả?”, “Con cũng mệt rồi, mẹ con mình cùng ngủ nhé!” bỗng dưng làm nguôi ngoai đi tất cả. Chẳng phải chúng ta đã từng chịu đựng những cơn nghén tồi tệ, những buổi đêm bị đè nén ngủ chẳng ngon, hay đỉnh điểm là cơn đau vật vã để con chào đời? Những thứ đó so với chút khó chịu này thật chẳng đáng là bao.

Vậy nên kết luận lại, hãy cứ vui vẻ đón nhận sự bám dính, quàu quạu, khóc lóc này của con một cách vui vẻ nhất có thể. Và tin Bầu đi, chỉ vài hôm nữa, khi thấy con biết lẫy, biết bò, biết đi, thấy con ăn ngoan, chơi vui vẻ, điều đó thật xứng đáng với những gì bạn đã trải qua. Giống như muốn nhìn thấy cầu vồng phải biết chịu đựng cơn mưa, ba mẹ ạ.

comment Bình luận