Dấu hiệu khi trẻ bị sởi

Sởi là bệnh lý truyền nhiễm do virus sởi (Measles Virus) gây ra, có khả năng lây lan vô cùng nhanh chóng qua đường hô hấp và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây dịch. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, nhưng phổ biến hơn ở các đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi không được tiêm phòng với hệ miễn dịch còn non nớt, sức đề kháng yếu, chưa được hoàn thiện.
9:57 | 30/07/2024

Bệnh sởi thường điển hình bởi các triệu chứng ở giai đoạn toàn phát như phát ban toàn thân từ sau tai, sau gáy lan dần lên trán, mặt, cổ, sau đó lan xuống khắp thân mình và cuối cùng là tứ chi. Kèm theo đó là các triệu chứng lâm sàng toàn thân khác như sốt cao, ho khan, viêm long đường hô hấp trên, đỏ mắt, viêm kết mạc, cảm giác khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng và một số trường hợp xuất hiện tình trạng viêm thanh quản cấp.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, virus sởi nhân lên ở tế bào biểu mô của đường hô hấp và ở các hạch bạch huyết lân cận, rồi đi vào máu.

Giai đoạn ủ bệnh (kéo dài 7-14 ngày): Ở giai đoạn này, trẻ chưa có bất cứ một biểu hiện lâm sàng nào.

Giai đoạn khởi phát (có thể kéo dài từ 2-4 ngày): Trẻ có thể bị sốt nhẹ, sau đó có thể sốt cao không thể thuyên giảm bằng cách điều trị thông thường. Lúc này có thể sốt lên đến 39-40 độ C. Cơn sốt có thể giảm khi trẻ bắt đầu phát ban. Bệnh sởi cũng có thể gây các triệu chứng khác như đỏ mắt, ho, nước mắt và nước mũi chảy nhiều bất thường hay viêm xuất tiết ở mũi, họng.

Giai đoạn toàn phát (bệnh sởi phát ban có thể kéo dài từ 2-5 ngày): Sau khi sốt kéo dài từ 3-4 ngày, sau tai của trẻ bắt đầu xuất hiện tình trạng phát ban. Các nốt phát ban thường có màu hồng, màu đỏ, là các nốt sát rẩn, nhỏ, hơi nổi gờ lên. Chúng có thể mọc rải rác thành từng đốm riêng lẻ hoặc lan rộng ra sang trán, xuống ngực và lưng, đùi và bàn chân thành những đám tròn dính liền nhau.

Giai đoạn hồi phục (lui bệnh hoặc bay ban): Thường ở giai đoạn bệnh sởi bắt đầu bay ban, trẻ có thể đã hết sốt. Các vết ban bắt đầu nhạt màu đi chuyển sang màu xám và để lại vết thâm. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh sởi có thể biến chứng nguy hiểm hơn nếu trẻ vẫn còn sốt trong khi vết ban đã bay đi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bệnh sởi ở trẻ có thể chuyển biến nhanh chóng và ngày càng nghiêm trọng hơn nêu không được điều trị đúng cách. Do đó, khi chăm sóc cho trẻ bị sởi, cha mẹ cần chú ý đến các biểu hiện của trẻ và đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín ngay khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu như: Trẻ sốt cao liên tục từ 39 độ C trở lên; có biểu hiện khó thở, thở nhanh, thở gấp; mệt mỏi, lừ đừ, chán ăn, mất tập trung, không muốn chơi; phát ban toàn thân nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ sốt.

Bệnh sởi không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính mà còn có thể gây ra rất nhiều chứng bệnh viêm nhiễm hệ thống thần kinh, gây rối loạn hệ cơ, hệ vận động và nhiều hệ cơ quan quan trọng khác trên khắp cơ thể. Những tổn thương đa cơ quan này có thể để lại nhiều di chứng kéo dài, thậm chí vĩnh viễn cho người bệnh, trong trường hợp bệnh diễn biến xấu, sởi có thể gây tử vong, đặc biệt phổ biến ở nhóm trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi.

Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc phòng ngừa bệnh, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng là điều phụ huynh cần chú ý. Mọi người cần giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn nơi sinh hoạt thông thoáng, sạch sẽ.

Với trẻ đã nhiễm bệnh sởi, cần phải được ở phòng thoáng, đủ ánh sáng, nghỉ ngơi, ngủ đủ, vệ sinh răng miệng. Tuyệt đối tránh các tập tục kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn.

Trẻ mắc bệnh sẽ chán ăn, khi đó cha mẹ nên để trẻ ăn đồ ăn lỏng, dễ tiêu, kết hợp tăng cường dinh dưỡng bằng các thức ăn giàu vitamin A.

Nhỏ mũi, mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc dung dịch nhỏ mắt mũi 3 - 4 lần/ngày.

Trẻ cũng cần uống đủ nước, nước oresol hoặc nước hoa quả. Khi trẻ bị tiêu chảy phải bổ sung nước hoặc cho bú nhiều hơn.

Khi phát hiện các dấu hiệu bệnh nặng như mệt, li bì, kém ăn, khó thở, tiêu chảy, ho nhiều, ban lặn nhưng vẫn sốt… thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Kim Cúc –  Mỹ Huyền

comment Bình luận