Đắk Nông: Cần nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đắk Nông là tỉnh miền núi đi lại khó khăn, dân cư sống thưa thớt, tỷ lệ hộ nghèo cao. Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều hủ tục liên quan đến vấn đề sinh đẻ còn tồn tại khiến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản gặp nhiều khó khăn. Do đó rất cần có chính sách đặc thù và các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản.
10:19 | 12/09/2024

Một trong những mục tiêu quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản là giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Giải pháp cho mục tiêu này hiện nay đang thông qua việc cải thiện chất lượng và mức độ sẵn có của dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vùng DTTS. Những năm qua, Đắk Nông vẫn là tỉnh có tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh còn cao, chủ yếu tập trung ở những vùng này. Chính vì vậy, ngành y tế đã và đang tăng cường chất lượng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh thông qua nâng cao chất lượng dịch vụ, mức độ bao phủ và tính phù hợp về mặt văn hóa, ngôn ngữ dân tộc của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng DTTS và miền núi. Việc các trạm y tế có y bác sĩ là người địa phương giúp giảm thiểu rào cản về ngôn ngữ đối với phụ nữ DTTS, tăng khả năng tiếp cận của phụ nữ DTTS với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thường xuyên chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản các tuyến; cung cấp kiến thức về cấp cứu sản khoa, cấp cứu trẻ sơ sinh; chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em; kỹ năng truyền thông lồng ghép tại cộng đồng; kỹ năng giám sát… Việc nâng cao năng lực khám, chữa bệnh của các cán bộ y tế sẽ giúp họ có đủ khả năng xử trí các tình huống khác nhau về tai biến sản khoa và các bệnh liên quan đến thai sản. Từ đó, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em. Trong đó, việc quan tâm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các cô đỡ thôn bản là thực sự cần thiết. Bởi đây là những cánh tay nối dài của ngành Y tế, làm việc ở tuyến cộng đồng, thực hiện hoạt động chăm sóc cơ bản, hỗ trợ các bà mẹ mang thai. Trong trường hợp phụ nữ mang thai có những triệu chứng nguy hiểm, chính cô đỡ thôn bản là người sẽ giúp phát hiện và đưa ngay sản phụ đến cơ sở y tế. Do đó, cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cho cô đỡ thôn bản, bao gồm đào tạo, cung cấp vật tư cần thiết, chế độ đãi ngộ cho công tác hộ sinh.

Phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được truyền thông về sức khỏe sinh sản

Phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được truyền thông về sức khỏe sinh sản

Các trạm y tế cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ như: Tư vấn và cung cấp các biện pháp kế hoạch hoá gia đình; tham gia vào công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; và phòng tránh, điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục… Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản mà còn nâng cao chất lượng dân số về lâu về dài.

BS.CKI Phạm Thị Thu Huyền – Trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người DTTS, đặc biệt là phụ nữ DTTS trong độ tuổi sinh đẻ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em được xem là một trong những giải pháp quan trọng. Điều này giúp phụ nữ DTTS trang bị thêm các kiến thức cần thiết, qua đó có những thực hành đúng về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Theo đó, công tác truyền thông được đẩy mạnh triển khai tại các xã, thôn bon đông đồng bào DTTS có hiện tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, kinh tế còn khó khăn, điều kiện giao thông không thuận lợi.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang triển khai dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Đây được xem là một trong những đòn bẩy giúp ngành y tế có thêm nguồn lực thực hiện các can thiệp nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhờ sự đầu tư của chương trình, các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động can thiệp như ký cam kết và biểu dương các gia đình thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; Huy động sự tham gia ủng hộ của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng, các chức sắc tôn giáo cùng đồng lòng thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Ngọc Vân

comment Bình luận