Đắk Nông: 26 trường hợp mắc uốn ván sơ sinh trong 5 năm

Theo đánh giá của trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, tình trạng mắc uốn ván sơ sinh (UVSS) trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng và trở thành vấn đề đáng báo động. Trung bình mỗi năm có từ 3 - 6 ca mắc.
14:23 | 01/11/2023

Trong 5 năm, từ 2017 đến tháng 10/2023, toàn tỉnh ghi nhận 26 trường hợp mắc UVSS, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Riêng năm 2023, tính đến ngày 25/10, toàn tỉnh ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh trong đó có 1 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số bệnh nhân mắc UVSS tăng 2 trường hợp.

Các trường hợp mắc trong 5 năm qua ghi nhận tại các huyện Tuy Đức, Đăk Glong, Krông Nô, Đăk Mil, Cư Jút và Đăk Song, trong đó tập trung nhiều ở các huyện Tuy Đức (7 ca), Krông Nô (6 ca), Đăk Glong (5 ca) và Đăk Mil (4 ca). Các trường hợp mắc bệnh chủ yếu ghi nhận tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Tiêm vắc xin phòng uốn ván để phòng tránh bệnh uốn ván cho trẻ nhỏ (ảnh minh họa)

Tiêm vắc xin phòng uốn ván để phòng tránh bệnh uốn ván cho trẻ nhỏ (ảnh minh họa)

Nguyên nhân xảy ra các trường hợp bị UVSS theo kết quả phân tích, đánh giá của trung tâm kiểm soát bệnh tật cho thấy, 100% bà mẹ có con bị UVSS đều không tiêm đủ mũi vắc xin phòng uốn ván trong suốt thai kỳ. Mặt khác, hơn 96% trường hợp mắc UVSS đều là các ca sinh tại nhà, do mụ vườn hoặc người thân chưa được tập huấn về sinh đẻ an toàn đỡ đẻ.

Theo đó, trẻ được cắt rốn và cột dây rốn bằng vật dụng không được vô khuẩn. Ngoài ra là các nguyên nhân về công tác quản lý thai sản tại địa phương, như 84,6% trường hợp mắc có mẹ không được quản lý thai sản tại trạm y tế; 96,2% thôn, bon ghi nhận ca mắc UVSS có trạm y tế quản lý không đầy đủ đối tượng phụ nữ có thai theo đúng quy định.

Bệnh uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính bởi vi khuẩn uốn ván (clostridium tetani). Ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván phát triển và tiết ra tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Các triệu chứng của bệnh được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ lưng, cơ hô hấp. Biểu hiện của trẻ bị UVSS như cứng hàm, không thể bú được, co cứng toàn thân, người ưỡn cong. Tất cả các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, tiêm vắc-xin phòng uốn ván là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất hiện nay.

                                                                                                           Hồ Long

comment Bình luận