Đắk Lắk: Triển khai thí điểm mô hình lồng ghép giữa chương trình tiêm chủng mở rộng với hoạt động khám, sàng lọc dinh dưỡng

Vừa qua, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã tổ chức hội thảo đồng thuận và lập kế hoạch triển khai thí điểm mô hình lồng ghép giữa tiêm chủng mở rộng với hoạt động khám, sàng lọc dinh dưỡng tại các điểm tiêm chủng ngoài trạm và tại trạm y tế khu vực Tây Nguyên.
14:54 | 02/12/2024

Tham dự hội thảo có tiến sĩ Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế, cán bộ phụ trách chương trình tiêm chủng và dinh dưỡng các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Mục tiêu của mô hình là nâng cao tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên, khám sàng lọc, phát hiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ trong độ tuổi tiêm chủng; đánh giá tính khả thi, tính hiệu quả, tính chấp nhận của mô hình lồng ghép và xem xét mở rộng lồng ghép tiêm chủng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu khác. Theo đó, trên cơ sở đánh giá nhanh hiện trạng tỷ lệ tiêm chủng và các hoạt động khám, sàng lọc, phát hiện, quản lý và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính, Tổ chức UNICEF sẽ hỗ trợ kinh phí triển khai, phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên trong việc tổ chức, theo dõi, điều hành, giám sát các hoạt động của mô hình…

Toàn cảnh hội thảo (ảnh: Quang Nhật)

Toàn cảnh hội thảo (ảnh: Quang Nhật)

Bác sĩ Nguyễn Huy Du - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh sự đồng thuận cao của toàn xã hội trong việc thực hiện mô hình, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên, phát hiện trẻ suy dinh dưỡng cấp tính để đưa vào quản lý, điều trị nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng là việc làm cấp thiết để bảo vệ sức khỏe trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu có nhiều biến đổi như hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, BS.CKII Lê Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk cho biết: Thời gian vừa qua, tỉnh đã triển khai mô hình lồng ghép giữa tiêm chủng mở rộng và quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại 5 huyện trên địa bàn và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Vì vậy, mô hình lồng ghép giữa tiêm chủng mở rộng và phát hiện, điều trị  suy dinh dưỡng chắc chắn cũng sẽ có hiệu quả, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tại cộng đồng chưa được phát hiện còn cao. Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk đồng thuận cao và cam kết nỗ lực triển khai mô hình để góp phần tăng tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cũng như giảm thiểu tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Vi Huệ

comment Bình luận