Đắk Lắk: Triển khai các biện pháp khống chế ổ dịch bệnh sởi tại huyện Lắk

Ngày 14/8, theo thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm một ổ dịch bệnh sởi tại huyện Lắk. Ngay sau khi ghi nhận ổ dịch, CDC đã nhanh chóng phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Lắk triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
15:02 | 15/08/2024

Theo bác sĩ y sĩ Buôn Dap – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, ngày 7/8, bệnh nhi nữ, sinh năm 2020, trú tại xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, chảy nước mắt. Ngày 8/8, bệnh nhi được người nhà đưa đến nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Lắk với biểu hiện sốt, viêm phổi, tiêu chảy. Ngày 9/8, bệnh nhi xuất hiện phát ban vùng mặt, cổ, tiêu chảy và viêm phổi. Ngày 12/8, bệnh nhi được chẩn đoán nghi sởi nên chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để tiếp tục điều trị.

Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh nhi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh sởi. Ngay sau khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh sởi, trung tâm y tế đã tổ chức khoanh vùng, điều tra dịch tễ tại buôn Lach Dơng và buôn Ba Yang thuộc xã Krông Nô, huyện Lắk. Kết quả ghi nhận chùm ca bệnh sởi tại buôn Lach Dơng và buôn Ba Yang với 7 trường hợp mắc bệnh.

Cán bộ y tế tuyên truyền phòng sởi cho người dân tại ổ dịch (ảnh : Kim Long)

Cán bộ y tế tuyên truyền phòng sởi cho người dân tại ổ dịch (ảnh : Kim Long)

Cũng theo bác sĩ y sĩ Buôn Dap – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, do dịch bệnh Covid-19 và từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2024 thiếu một số loại vắc xin khiến nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin, trong đó có vắc xin sởi. Tại buôn Lach Dơng tỷ lệ tiêm sởi đạt 47%, tiêm sởi - rubella đạt 59,5%, tỷ lệ trẻ tiêm chủng đầy đủ đạt 30.3%. Tại buôn Ba Yang, tỷ lệ trẻ tiêm chủng đẩy đủ đạt 60.2%. Sau khi ghi nhận chùm ca bệnh, trung tâm y tế phối hợp với trạm y tế xã Krông Nô đã triển khai rà soát và tiến hành tiêm bù, tiêm vét vắc xin sởi cho các trẻ chưa được tiêm và bỏ lỡ mũi tiêm. Đồng thời thành lập khu cách ly điều trị bệnh nhân mắc sởi để tránh lây nhiễm chéo tại trung tâm y tế.

Để khống chế ổ dịch sởi tại huyện Lắk, CDC đã nhanh chóng phối hợp với trung tâm y tế huyện và trạm y tế điều tra, xác minh, đánh giá tình hình ổ dịch và tiến hành phun hóa chất khử khuẩn tại 54 hộ gia đình khu vực ghi nhận các ca bệnh, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tại 2 buôn Lach Dơng và buôn Ba Yang nâng cao ý thức thực hiện các biện pháp phòng bệnh sởi.

Theo bác sĩ Trần Kim Long – Phó Trưởng trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm -CDC Đắk Lắk, ổ dịch tại 2 buôn Lach Dơng và buôn Ba Yang ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh do tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng sởi chưa đạt. Bên cạnh đó, do khi có những ca mắc bệnh đầu tiên người dân chủ quan không khai báo cho ngành y tế khiến dịch bệnh lây lan. Do đó, bác sĩ Trần Kim Long nhận định thời gian tới, tình hình bệnh sởi có nguy cơ diễn biến phức tạp bởi sẽ còn nhiều trường hợp trẻ ủ bệnh. Trước tình hình đó, CDC và trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã đang quyết liệt triển khai đồng loạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời huy động sự vào cuộc chung tay của cả cộng đồng.

Theo số liệu thống kê của CDC, tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 25 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó TP. Buôn Ma Thuột 7 trường hợp, huyện Cư Kuin 3 trường hợp, Krông Ana 3 trường hợp, Krông Búk 1 trường hợp, Ea Kar 1 trường hợp, Buôn Hồ 1 trường hợp, Buôn Đôn 1 trường hợp, Krông Pắc 1 trường hợp và huyện Lắk 7 trường hợp.

Ngành y tế tiến hành phun khử khuẩn và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sởi tại ổ dịch (ảnh : Kim Long)

Ngành y tế tiến hành phun khử khuẩn và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sởi tại ổ dịch (ảnh : Kim Long)

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra, bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh. Đến nay, bệnh sởi vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Biểu hiện của bệnh bao gồm: Sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng (Koplik) ở niêm mạc miệng. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng. Bệnh sởi rất dễ lây lan và thường gây thành dịch. Hiện nay, tại Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng  năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em trên toàn quốc, trong đó có vắc xin sởi. Nhiều trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng sởi đủ số mũi và đúng lịch trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát bệnh sởi.

Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có vắc xin phòng bệnh. Do đó, để chủ động phòng bệnh sởi, các bậc phụ huynh cần đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi. Cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi vì bệnh sởi có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được >95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 - 11 tháng tuổi, chỉ có 80 - 85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi trẻ mắc sởi thì trẻ sẽ có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.

Bên cạnh đó, để phòng bệnh sởi người dân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, vệ sinh thân thể, vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh sởi như sốt, phát ban và kèm theo ho hoặc chảy nước mũi cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời, phòng biến chứng nặng xảy ra.

Mai Lê

comment Bình luận