Đắk Lắk tăng cường quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức hội nghị tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
12:16 | 19/05/2025

Hội nghị do ông Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, với sự tham dự của đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp trong tỉnh và khách mời từ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Tại hội nghị, báo cáo cho thấy Đắk Lắk hiện có hơn 650.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, với nhiều loại nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, ca cao, mắc ca, trái cây… có chất lượng và sản lượng nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Ngành nông nghiệp đóng góp gần 37% GRDP toàn tỉnh, chiếm hơn 90% kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho gần 70% lao động địa phương.

Trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đã được ngành nông nghiệp chú trọng thông qua hệ thống quản lý phân cấp chặt chẽ, hoạt động tuyên truyền, tập huấn sâu rộng và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ. Giai đoạn 2022 - 2024, toàn tỉnh tổ chức 251 lớp tập huấn với hơn 10.400 lượt người tham dự, cùng 15 hội nghị tuyên truyền về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Ông Nguyễn Hắc Hiển - Chi Cục trưởng Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Hắc Hiển - Chi Cục trưởng Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị

Tính đến nay, tỉnh đã có 616 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và xây dựng 123 chuỗi liên kết do chính quyền tổ chức, cùng với hàng loạt mô hình tự liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân. Hiện toàn tỉnh có khoảng 150 hợp tác xã nông nghiệp, hơn 34 doanh nghiệp và gần 15.500 hộ nông dân tham gia các chuỗi sản xuất theo hướng giá trị gia tăng, có truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm tại Đắk Lắk vẫn còn nhiều tồn tại như: tỷ lệ sản xuất đạt chuẩn còn thấp, mô hình sản xuất manh mún, việc giám sát tại các vùng sản xuất còn gặp khó khăn. Trong năm 2024 và 4 tháng đầu năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh đã kiểm tra 100 cơ sở, xử phạt 10 cơ sở vi phạm với số tiền gần 195 triệu đồng.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên phát biểu tại hội nghị

PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nông sản và kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm. Trong đó, đáng chú ý là các biện pháp kiểm soát dư lượng cadimi và vàng O trong sản phẩm sầu riêng xuất khẩu – mặt hàng đang vào mùa thu hoạch, có vai trò quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Văn Hà phát biểu tại hội nghị

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Văn Hà phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, việc nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm là yêu cầu bắt buộc. Các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp đồng bộ, chú trọng xây dựng chuỗi liên kết hiệu quả với doanh nghiệp làm trung tâm, từ đó đưa nông sản Đắk Lắk vươn ra thị trường toàn cầu. Đặc biệt, với mặt hàng sầu riêng, cần nhanh chóng tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp và nông dân yên tâm sản xuất, xuất khẩu”.

Hội nghị là dịp quan trọng để Đắk Lắk đánh giá thực trạng và xây dựng lộ trình bền vững cho ngành nông nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời đẩy mạnh liên kết – tiêu thụ nông sản hiệu quả trong giai đoạn tới.

Dũng Nguyễn

comment Bình luận