Bình Dương khởi công xây dựng Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Sáng 19/5, trong không khí trang trọng kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), tỉnh Bình Dương đã long trọng tổ chức Lễ Khởi công Dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một công trình mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng tri ân đối với thân sinh của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
12:17 | 19/05/2025

Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Minh Triết - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé; ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Văn Lợi - UV BCH TW Đảng, Bí Thư Tỉnh Ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương; ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu; bà Tôn Ngọc Hạnh - Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cùng đông đảo các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.

Phối cảnh 3D dự án Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Phối cảnh 3D dự án Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Dự án tọa lạc trên khu đất có quy mô khoảng 3,6 ha, dự kiến triển khai từ năm 2025 đến năm 2028. Với thiết kế mở, hài hòa với kiến trúc Phật giáo truyền thống của chùa Hội Khánh, dự án đồng thời kết hợp các yếu tố hiện đại trong chỉnh trang đô thị. Các hạng mục chính bao gồm Nhà thờ, Nhà lễ, khu trưng bày cuộc đời và sự nghiệp của Cụ Nguyễn Sinh Sắc, quảng trường lấy cảm hứng từ hình tượng trống đồng, cùng hệ thống hạ tầng cảnh quan đồng bộ. Tổng Công ty Becamex IDC đã thể hiện sự đồng hành và trách nhiệm xã hội khi hỗ trợ hơn 83 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng Nhà thờ và Nhà lễ. Các hạng mục còn lại sẽ được triển khai bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. 

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại buổi lễ

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thế hệ lãnh đạo và nhân dân đã chung tay đóng góp vào sự hình thành và phát triển của dự án. Ông nhấn mạnh: “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một nhà nho yêu nước, có ảnh hưởng to lớn trong việc hun đúc tinh thần yêu nước, truyền bá đạo lý dân tộc. Việc xây dựng Khu lưu niệm tại chính nơi Cụ từng sinh sống và hoạt động không chỉ là hành động tri ân mà còn là sự tiếp nối truyền thống 'uống nước nhớ nguồn', giáo dục cho thế hệ mai sau về những giá trị tốt đẹp của dân tộc.”

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh khẳng định, khi hoàn thành, dự án sẽ trở thành một “địa chỉ đỏ” trong việc giáo dục truyền thống lịch sử – văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân và tạo điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị Thủ Dầu Một trong giai đoạn phát triển mới. Đồng thời, công trình còn là biểu tượng kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa đạo lý dân tộc và tinh thần phát triển hiện đại của tỉnh nhà, mang trong mình ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, tri ân Cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã có hơn 3 năm gắn bó và hoạt động tại chùa Hội Khánh, Thủ Dầu Một.

Thầy Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương chia sẻ về Cụ Nguyễn Sinh Sắc những năm đến với vùng đất Thủ Dầu Một, Bình Dương

Thầy Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương chia sẻ về Cụ Nguyễn Sinh Sắc những năm đến với vùng đất Thủ Dầu Một, Bình Dương

Tại buổi lễ, Thầy Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương chia sẻ về Cụ Nguyễn Sinh Sắc những năm đến với vùng đất Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Cụ Nguyễn Sinh Sắc (1862–1929), thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một nhà nho uyên bác, thấu hiểu sâu sắc đạo lý Phật học. Cụ nổi tiếng với học vấn cao siêu, là một trong "Nam Đàn tứ hổ" và đỗ Phó bảng năm 1901. Mặc dù được triều đình trọng dụng, Cụ luôn giữ vững tinh thần bất hợp tác với chế độ phong kiến, thể hiện qua câu nói nổi tiếng: “Quan trường thị nô lệ”.

Sau khi từ quan vào năm 1910, trong suốt cuộc hành trình vào Nam, Cụ Sắc chọn chùa làm nơi cư trú, thường xuyên đàm đạo với các bậc cao tăng, truyền bá tư tưởng yêu nước trong dân chúng. Năm 1922, cụ quy y Tam bảo, có pháp danh Nhựt Sắc tự Thiện Thành, thuộc phái Lâm tế Gia phổ đời thứ 41. Vào năm 1923, Cụ Sắc đến vùng đất Thủ Dầu Một và chùa Hội Khánh cùng với Hoà thượng Từ Văn và cụ Tú cúc Phan Đình Viện cùng nhau thành lập Hội Danh dự yêu nước, mục đích của Hội là truyền bá tư tưởng yêu nước, dạy học, giúp đỡ người dân trong việc bốc thuốc trị bệnh....

Cụ Nguyễn Sinh Sắc có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng của người con trai Nguyễn Tất Thành, người sau này trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Lời căn dặn “Cứu nước là hiếu với cha” đã định hướng cho con đường cách mạng đầy gian khổ nhưng vinh quang của Bác. Dù bị mật thám theo dõi và từng bị bắt giam, Cụ vẫn kiên trì hoạt động cách mạng bằng trí tuệ, đạo hạnh và lòng yêu nước nồng nàn.

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã sống 68 năm và an nghỉ tại chùa Hòa Long, Cao Lãnh. Dù đã gần một thế kỷ trôi qua, hình ảnh, công lao và nhân cách cao quý của Cụ vẫn mãi khắc sâu trong trái tim của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là người dân Thủ Dầu Một, nơi đã trở thành quê hương thứ hai của Cụ.

Nghi thức nhấn nút khởi công xây dựng Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Nghi thức nhấn nút khởi công xây dựng Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Dự án Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc không chỉ là một công trình kiến trúc mang tính thẩm mỹ mà còn là nơi lưu giữ những ký ức thiêng liêng, hun đúc tinh thần yêu nước và đạo lý truyền thống quý báu cho các thế hệ mai sau.

Đức Tường

comment Bình luận