Đắk Lắk: Đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán 2024

Ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã sẵn sàng các phương án, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, thuốc men, trang thiết bị, vật tư y tế, thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo công tác y tế để chăm sóc sức khỏe cho người dân trong dịp Tết.
17:44 | 12/01/2024

Ngay từ những tháng cuối năm 2023, ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã chỉ đạo các khoa, phòng bố trí khoa học, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh và thường trực cấp, trong đó tập trung vào việc dự trù cơ số thuốc, các phương tiện, trang thiết bị, dịch truyền…; chủ động nhân lực, phân công các y, bác sĩ trực 24/24 giờ tất cả các ngày trước, trong và sau Tết, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra. Đồng thời, quán triệt viên chức trong đơn vị thực hiện nghiêm túc y đức, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, chăm sóc người bệnh,… nhằm đảm bảo cho hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân trong những ngày Tết Nguyên đán 2024.

Chú trọng đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh (ảnh: Đình Thi)

Chú trọng đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh (ảnh: Đình Thi)

Bác sĩ Nguyễn Đăng Giáp – Phó Giám đốc Phụ trách Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, về cơ sở vật chất, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, máy móc, thuốc men cần thiết. Về nhân lực, bệnh viện đã sắp xếp lịch trực 4 cấp và luôn luôn có êkíp trực dự phòng. Tất cả các lãnh đạo của bệnh viện trong dịp Tết điện thoại đều phải mở 24/24 giờ để kịp thời phối hợp, xử lý các trường hợp khẩn. Ngoài việc đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh, bệnh viện còn chăm lo đời sống cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho người dân.

Bên cạnh đó, bệnh viện còn đặc biệt chú ý các tình huống điều trị người bệnh, cấp cứu do tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm,… trong những ngày trước trong và sau Tết. Chú trọng đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, chuẩn bị tốt cho công tác cấp cứu ngoại viện, công tác chuyển viện. Tổ chức chặt chẽ việc phân luồng, sàng lọc, cách ly, phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện với tinh thần chủ động, chu đáo, đáp ứng nhanh, kịp thời.

Để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế sẵn sàng với các ca trực trong dịp Tết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết mình với công việc cứu người. Bác sĩ Nguyễn Quang Sơn – Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên chia sẻ: “Tết là dịp nhà nhà, người người quây quần, xum họp với nhau. Đối với y, bác sĩ như chúng tôi, hòa trong niềm vui đón năm mới, việc trực Tết để đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân, cấp cứu các trường hợp nguy cấp nhằm dành lại sự sống cho các bệnh nhân từ lưỡi hái của tử thần là việc làm hết sức quan trọng và ý nghĩa”.

Bên cạnh hoạt động khám, chữa bệnh, để đảm bảo sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh trong và sau dịp Tết Nguyên đán, hoạt động dự phòng cũng được ngành y tế hết sức chú trọng. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, nguy cơ xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm dịp cuối năm gia tăng. Trong đó, các bệnh lưu hành, bệnh mới nổi cần tập trung phòng, chống là dịch COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, đậu mùa khỉ... Do đó, CDC tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình, yếu tố nguy cơ trên địa bàn toàn tỉnh. Đơn vị cũng chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó, chuẩn bị điều kiện bảo đảm phòng, chống khi có dịch bệnh xảy ra.

Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó, chuẩn bị điều kiện bảo đảm phòng, chống khi có dịch bệnh xảy ra (ảnh: Đình Thi)

Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó, chuẩn bị điều kiện bảo đảm phòng, chống khi có dịch bệnh xảy ra (ảnh: Đình Thi)

Bác sĩ Hoàng Hải Phúc – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, để đảm bảo công tác dự phòng, ngoài việc tham mưu cho Sở Y tế ban hành cac văn bản chỉ đạo, CDC còn chủ động xây dựng, đảm bảo tất cả vật tư, tranh thiết bị y tế như hóa chất, thuốc và nhân lực để sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, CDC cũng đã thành lập các đội phòng chống dịch chủ động, đội phòng chống dịch khẩn cấp và cũng đã đề nghị các huyện thành lập các đội này để kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh. Đồng thời, CDC đẩy mạnh công tác truyền thông, tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ về các dịch bệnh sắp tới, nhất là các bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp hay bùng phát trong mùa Đông Xuân, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu giao lưu, đi lại, gặp gỡ của người dân tăng cao. Qua đó giúp người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh.

Dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, gia tăng số ca mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc và diễn biến nặng các bệnh truyền nhiễm, COVID-19,... Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành y tế, để đảm bảo sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội, mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch.

Bác sĩ Hoàng Hải Phúc – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, khuyến cáo thêm: “Mỗi người dân cần có ý thức tự bảo vệ mình. Nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu ăn uống tăng cao nên để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng tránh ngộ độc, người dân nên ăn chín, uống sôi, lựa chọn các thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hạn chế uống rượu, bia. Khi thấy bản thân xuất hiện các biểu hiện bất thường, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời”.

Mai Lê

comment Bình luận