Đắk Lắk có 1.000 người mắc các bệnh về ung thư trong năm 2024

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 1.141 bệnh nhân ung thư, nâng tổng số bệnh nhân ung thư lên trên 3.600 người, trong đó, đã có 1.291 trường hợp tử vong do căn bệnh này.
9:24 | 29/12/2024

Theo đó, năm 2024 ung thư gan có số ca mắc mới là 287 người nhưng số người chết là 376 người; ung thư phổi mắc mới là 185 số người chết là 222 người; ung thư khác mắc mới 150 với 196 người chết, ung thư dạ dày số ca mắc mới 97 nhưng số người chết là 122 người.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm ước tính thế giới có thêm 14,1 triệu ca bệnh nhân mắc ung thư và 8,2 triệu người chết vì căn bệnh này, trong đó có đến hơn 4 triệu người chết trẻ chỉ trong độ tuổi từ 30 – 69 tuổi, nếu không được kiểm soát thì đến năm 2025 con số này được dự đoán sẽ tăng lên đến 19,3 triệu ca bệnh nhân ung thư mới và đến hơn 11,5 triệu người có thể tử vong vì căn bệnh này.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư có xu hướng tăng. Trung bình hàng năm có thêm 200.000 ca bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư mới và có hơn 70.000 trường hợp tử vong; số người chết vì ung thư tại Việt Nam chiếm đến 73,5% tổng số người bệnh. Cụ thể nếu như năm 2000, cả nước ghi nhận khoảng 69.000 ca mắc ung thư, năm 2010 khoảng 127.000 ca, nhưng đến năm 2024, con số ước tính gần 200.000 ca mắc mới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đối với bệnh ung thư việc phát hiện bệnh càng sớm thì tỉ lệ chữa khỏi càng cao và tiết kiệm về chi phí điều trị. Nhưng ngược lại, nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì luôn để lại gánh nặng lớn về kinh phí và hiệu quả điều trị cũng giảm đáng kể. Do vậy, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư.

Để phòng ngừa mắc các bệnh ung thư, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp sau:

Giảm cân: Người béo phì có nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường... và một số loại ung thư bao gồm: ung thư vú, đại trực tràng, thực quản, tiền liệt tuyến.

Tránh thịt đỏ: Thịt hun khói, xúc xích... có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư ruột kết. Viện Nghiên cứu ung thư Mỹ khuyến nghị, mỗi người không nên ăn quá 559g thịt đỏ/tuần.

Dùng kem chống nắng: Bức xạ cực tím có thể gây ung thư da, những người có nhiều thời gian dưới ánh mặt trời có nguy cơ mắc ung thư da cao hơn. Kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên giúp bảo vệ làn da của bạn.

Ăn nhiều rau: Các loại rau xanh, củ, quả tươi chứa nhiều hoạt chất chống oxy hóa, vitamin, chất xơ góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh nói chung và ung thư nói riêng.

Cắt giảm đường: Thực phẩm hoặc đồ uống có nhiều đường chứa nhiều calo. Nếu nạp đường thường xuyên, cơ thể hấp thụ nhiều calo hơn so với lượng calo đốt cháy trong một ngày. Điều đó có thể gây tăng cân, làm tăng nguy cơ ung thư.

Tiêm vaccine phòng HPV: HPV (virus gây u nhú ở người) truyền từ người sang người qua quan hệ tình dục, là nguyên nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung, gây ung thư âm đạo, dương vật, hậu môn, miệng và cổ họng. Các bé gái có thể tiêm vaccine trong độ tuổi từ 9-26, bé trai tiêm phòng từ 9-21. Việc sử dụng bao cao su cũng có thể làm giảm khả năng bị nhiễm virus.

Tập thể dục: Những người tập thể dục ít có khả năng bị ung thư ruột kết, vú hoặc tử cung. Khi vận động, cơ thể sử dụng nhiều năng lượng hơn, tiêu hóa thức ăn nhanh hơn và ngăn ngừa sự tích tụ của một số hormone có liên quan đến ung thư. Hoạt động tích cực cũng có thể giúp giảm bớt các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim hoặc tiểu đường.

Bỏ hút thuốc lá: Thuốc lá vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây ra các loại ung thư cũng như bệnh tim, phổi.

Tiêm vaccine: Tiêm vaccine phòng ngừa viêm gan B để phòng ngừa bệnh ung thư gan…

Bảo Trọng

comment Bình luận