Đà Nẵng: Chủ động trong công tác phòng, chống véc tơ truyền bệnh viêm não Nhật Bản

Thực hiện theo chỉ đạo Sở Y tế, ngay từ đầu tháng 3/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch và triển khai công tác điều tra véc tơ chủ động về bệnh viêm não Nhật Bản trên địa bàn huyện Hòa Vang.
10:00 | 27/03/2024

Viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do vi rút gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Sở dĩ bệnh có tên là viêm não Nhật Bản là do được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản và các nhà khoa học Nhật Bản cũng là người tìm ra vi rút gây bệnh và đặt tên là vi rút viêm não Nhật Bản (VNNB).

Mọi đối tượng đều có nguy cơ nhiễm vi rút, tuy nhiên bệnh thường xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi, nhất là những trẻ có hệ miễn dịch suy yếu chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ. VNNB ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh trung ương, người mắc bệnh có thể tử vong vào bất kỳ thời điểm nào.

Ở Việt Nam, bệnh VNNB ghi nhận ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch thường gặp ở vùng đồng bằng, trung du và cả ở một số khu vực miền núi Tây Bắc nơi trồng nhiều lúa nước có kết hợp nuôi nhiều lợn gần người. Hàng năm ở nước ta có khoảng từ vài trăm đến 1.000 trường hợp mắc viêm não vi rút và khoảng 20% trong số này là VNNB.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đang điều tra véc tơ chủ động tại huyện Hòa Vang

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đang điều tra véc tơ chủ động tại huyện Hòa Vang

Tại TP. Đà Nẵng, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, từ năm 2014 đến 2016, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 4 ca mắc VNNB, hầu hết đều nằm trên địa bàn huyện Hoà Vang. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố không ghi nhận ca mắc mới bệnh VNNB. Tuy nhiên công tác phòng, chống bệnh VNNB tại Đà Nẵng luôn được chủ động triển khai hàng năm, nhất là ở vùng nông thôn huyện Hoà Vang, vì sinh cảnh ở nông thôn thích hợp cho sự phát triển của muỗi Cx. Tritaeniorhynchus (véc tơ chính truyền bệnh VNNB tại Việt Nam) hơn so với các sinh cảnh ở thành thị. Điều này là do đặc điểm sinh thái học của muỗi Culex, chúng sinh sản và phát triển chủ yếu ở ruộng lúa, rãnh, ưa đốt trâu bò, lợn và sau đó là đốt người. Khả năng vừa đốt người, vừa đốt gia súc của muỗi Culex là yếu tố quan trọng trong việc lan truyền bệnh.

Thực hiện theo chỉ đạo Sở Y tế, ngay từ đầu tháng 3/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch và triển khai công tác điều tra véc tơ chủ động về bệnh viêm não Nhật Bản năm 2024 tại các thôn Xuân Phú, Phú Hạ, Đại La và Phú Thượng thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang.

Công tác điều tra véc tơ chủ động được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế. Các hộ dân tại điểm điều tra chủ yếu là hộ dân có diện tích nhà và vườn rộng, có chăn nuôi gia súc, gia cầm, các dụng cụ chứa nước ngoài trời nhiều như ảng, xô dùng để tưới cây, các dụng cụ phế thải bỏ quên lâu ngày trong vườn, các điểm thải nước sinh hoạt ứ đọng... là nguồn chủ yếu tạo điều kiện cho bọ gậy muỗi Culex phát triển.

Kết quả điều tra đã phát hiện 7 loài Culex, nhưng đều không phải là véc tơ chính truyền bệnh viêm não Nhật Bản

Kết quả điều tra đã phát hiện 7 loài Culex, nhưng đều không phải là véc tơ chính truyền bệnh viêm não Nhật Bản

Kết quả điều tra đã phát hiện 7 loài Culex, đó là: Cx. bitaeniorhynchus Giles, Cx. gelidus Theobald, Cx. pseudovishnui Colless, Cx. quinquefasciatus Say, Cx. Raptop, Cx. sinensis Theobald, Cx. khazani Edwards. Điều đáng mừng là những loài trên không phải là véc tơ chính truyền bệnh viêm não Nhật Bản.

Kết thúc đợt điều tra, giám sát véc tơ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng đề nghị trung tâm y tế huyện Hòa Vang cần xây dựng kế hoạch duy trì thực hiện các biện pháp phòng, chống véc tơ truyền bệnh VNNB trên địa bàn xã Hòa Sơn nói riêng và huyện Hòa Vang nói chung.

Bác sĩ Trương Công Phước, Trưởng khoa Ký sinh trùng – Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: “Căn cứ vào kết quả điều tra véc tơ và đặc điểm truyền bệnh, chúng tôi đã khuyến cáo địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh môi trường, cải tạo điều kiện sống, vệ sinh nhà cửa, chuồng gia súc, khơi thông mương, cống rãnh, phát quang bụi rậm, vệ sinh các dụng cụ chứa nước, loại bỏ dụng cụ phế thải để triệt phá nơi trú ẩn, nơi sinh đẻ của muỗi Culex; các khu vực ao hồ, ruộng lúa nên thả bèo hoa dâu hoặc thả cá để diệt bọ gậy của muỗi Culex”.

Ngoài ra, để chủ động phòng bệnh, Bác sĩ Trương Công Phước còn khuyến cáo cộng đồng cần thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch. Việc tiêm chủng vắc xin được áp dụng cho người lớn và trẻ em đủ tuổi (từ 12 tháng tuổi trở lên); phòng tránh muỗi đốt bằng cách bôi thuốc xua muỗi, tẩm thuốc xua diệt vào quần áo, thực hiện ngủ nằm màn; nếu trên địa bàn phát hiện trường hợp có các dấu hiệu sốt cao, co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê...thì phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Phan Thanh - Đức Vinh

comment Bình luận